1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine thận trọng "đi dây" khi lưỡng đảng Mỹ đốt nóng cuộc đua bầu cử

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine, quốc gia phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ để đối phó Nga, đang cố gắng sử dụng chiến thuật cân bằng để duy trì được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần.

Ukraine thận trọng đi dây khi lưỡng đảng Mỹ đốt nóng cuộc đua bầu cử - 1

Ukraine bị tàn phá do chiến sự (Ảnh: Reuters).

New York Times nhận định, Ukraine đang tỏ ra thận trọng hết mức để có thể đảm bảo được sự ủng hộ từ Mỹ bất chấp đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Sự thận trọng này càng rõ nét trong bối cảnh ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, một người không ủng hộ việc viện trợ quá nhiều cho Ukraine, đang ngày càng có khả năng sẽ trở lại Nhà Trắng.

Hầu hết trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều được hỏi rằng nếu ông Trump thắng cử, điều đó sẽ tác động ra sao tới Ukraine.

Trong các tình huống, ông Zelensky hầu như đều lựa chọn từ ngữ khá cẩn thận dù bất đồng quan điểm với ông Trump khi cựu Tổng thống Mỹ trước đó tuyên bố có thể khép lại chiến sự trong 24 giờ.

Mặc dù vậy, các phát ngôn khá chung chung từ ông Trump cũng khiến ông Zelensky bày tỏ sự hoang mang.

Trả lời kênh Channel 4 của Anh, ông Zelensky thừa nhận, tuyên bố của ông Trump trong cuộc tranh luận ngày 27/6 với Tổng thống Joe Biden rằng chỉ mình ông biết con đường dẫn đến hòa bình ở Ukraine khiến Kiev "căng thẳng".

"Nếu có những rủi ro đối với nền độc lập của Ukraine, nếu chúng tôi mất tư cách nhà nước, chúng tôi muốn sẵn sàng cho điều này, chúng tôi muốn biết (kế hoạch của ông Trump). Chúng tôi muốn hiểu liệu vào tháng 11, chúng tôi sẽ có được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ hay sẽ đơn độc", ông Zelensky nói.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc ông Trump sẵn sàng và muốn chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine là điều Moscow rất coi trọng".

"Tôi chưa rõ ý tưởng chính xác của ông ấy là gì. Nhưng tôi không nghi ngờ về việc ông ấy nói một cách chân thành và chúng tôi ủng hộ điều đó", ông Putin nói.

Ông Putin thường xuyên tuyên bố sẵn sàng tổ chức  đàm phán để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua, nhưng với các điều kiện mà phía Ukraine không đồng ý. Điều đó dẫn tới viễn cảnh thương lượng trở nên bế tắc.

Các quan chức Ukraine, cả công khai và riêng tư, cho biết sự cạnh tranh và bất đồng quan điểm trong lưỡng đảng Mỹ, sự quyết liệt của chiến dịch tranh cử tổng thống đã tạo nên một thách thức ngoại giao khó khăn cho Kiev.

Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Thành thật mà nói, hiện tại chúng tôi ở trong một tình huống khá dễ bị tổn thương".

"Nếu ông Trump trở thành tổng thống, đó sẽ không phải là một cú sốc đối với chúng tôi", ông nói và chỉ vào chồng sách về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump mà ông đã đọc để tìm hiểu sâu hơn.

Tuy nhiên, ông nói, việc tiếp cận những người thân cận với ông Trump "cần phải được thực hiện một cách tế nhị, không gây phản cảm với đảng Dân chủ".

"Chúng tôi rất cẩn thận để không tham gia vào cuộc cạnh tranh chính trị nội bộ ở Mỹ. Chúng tôi không muốn làm hỏng mối quan hệ với bất kỳ ai", ông Merezhko cho hay.

Ukraine gặp thách thức với cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Họ đã không ít lần bày tỏ sự thất vọng trước tốc độ viện trợ chậm chạp của Mỹ trong nhiều tháng và lệnh cấm của chính quyền ông Biden về việc ngăn Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Trong các cuộc trao đổi riêng tư, các quan chức Ukraine nói rằng chính sách của ông Biden đặt Kiev vào thế khó. Họ cho rằng, các vũ khí viện trợ còn thiếu về số lượng và những hạn chế ngăn cản Ukraine đạt được lợi thế trên chiến trường để dẫn tới vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán. Ông Biden cũng không tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng 6 dù ông Zelensky đã nhiều lần kêu gọi.

Các quan chức Ukraine đã được an ủi phần nào từ tuyên bố ngắn gọn của ông Trump trong cuộc tranh luận rằng ông sẽ không chấp nhận các điều khoản của Nga để chấm dứt cuộc chiến. Nhiều người đã lưu ý rằng Ukraine có sự ủng hộ sâu sắc từ nhiều đảng viên cốt cán trong đảng Cộng hòa mà họ hy vọng sẽ ảnh hưởng đến ông Trump.

Điều quan trọng hơn là ông Trump là người khó đoán. Phía Ukraine cho rằng, nếu ông Trump không đạt được thỏa thuận với ông Putin, ông Trump có thể tăng viện trợ và không quá lo ngại tới viễn cảnh căng thẳng leo thang với Moscow giống như phe Dân chủ.

"Đó là một nghịch lý. Sự khó đoán trước của ông ấy thực ra có thể đoán được", ông Merezhko giải thích.

Mối quan tâm cấp thiết nhất đối với Ukraine lúc này là vòng xoáy tranh luận về tương lai chính trị của ông Biden sẽ có thể gây xao lãng trong cuộc họp của NATO ở Washington vào tuần này, khi tổ chức này đang hướng tới vai trò lớn hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev.

Chính quyền Biden đang cố gắng tránh tạo cơ hội cho ông Trump cáo buộc họ cam kết đổ số tiền viện trợ quá lớn cho Ukraine trong thời gian dài. Điều đó có thể khiến đảng Dân chủ thận trọng hơn trong thời gian tới liên quan tới nỗ lực viện trợ cho Ukraine. 

Theo New York Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine