1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine tấn công tầm xa vào căn cứ quân sự của Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức Ukraine cho hay, các cuộc pháo kích tầm xa của nước này nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga ở miền Nam đã gây tổn thất đáng kể cho Moscow.

Ukraine tấn công tầm xa vào căn cứ quân sự của Nga - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một khẩu pháo hôm 18/7 (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ chỉ huy quân sự miền Nam Ukraine Natalia Humeniuk cho biết, đêm 7/8, rạng sáng 8/8, quân đội nước này đã thực hiện một loạt cuộc tấn công bằng tổ hợp pháo phóng loạt HIMARS nhằm vào các vị trí của quân đội Nga ở miền Nam. Những mục tiêu này gồm 2 cây cầu chiến lược Antonivskyi và Kakhovskyi ở tỉnh Kherson và các căn cứ quân sự của Nga ở thành phố Melitopol thuộc tỉnh Zaporizhzhia.

"Theo ước tính ban đầu, một lượng lớn trang thiết bị quân sự của Nga đã bị phá hủy", thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov viết trên Telegram.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên chưa được kiểm chứng.

Các tổ hợp pháo phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp đang trở thành "át chủ bài" trong chiến dịch phản công của Ukraine. Cách đây 2 tuần, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội nước này đã phá hủy khoảng 50 kho đạn dược của Nga bằng loại vũ khí này. Trong khi đó, Moscow tuyên bố đã phá hủy một nửa số tổ hợp HIMARS mà Kiev có.

Kherson và Zaporizhzhia hiện là những điểm nóng xung đột giữa Nga và Ukraine vài tuần trở lại đây khi Kiev tìm cách phản công, giành lại các vùng lãnh thổ miền Nam đã bị Moscow kiểm soát.

Tại Kherson, Ukraine tăng cường tấn công vào các hạ tầng mà Nga dùng để tiếp viện cho lực lượng ở đây như các cây cầu chiến lược, đường sắt, kho nhiên liệu.

Tại Zaporizhzhia, hai bên cáo buộc lẫn nhau pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nơi Moscow kiểm soát từ tháng 3. Moscow "tố" Ukraine liên tục pháo kích vào nhà máy có thể kéo theo một thảm họa hạt nhân với toàn châu Âu. Ngược lại, Kiev nói rằng Nga đang lấy cơ sở này làm căn cứ để tập kết binh sĩ và vũ khí để Ukraine không dám đáp trả.

Lãnh đạo Liên Hợp Quốc đã kêu gọi hai bên nhất trí để chuyên gia của Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp cận nhà máy để đánh giá và ngăn chặn nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Về phía Ukraine, giới chức nước này hôm nay kêu gọi thiết lập vùng phi quân sự ở nhà máy Zaporizhzhia.

"Điều mà chúng tôi khẩn thiết đề nghị cộng đồng quốc tế và các đối tác đó là đưa lực lượng quân sự của đối phương ra khỏi khu vực nhà máy, lập một vùng phi quân sự ở đây. Sự hiện diện của lực lượng hòa bình ở khu vực này và chuyển giao quyền kiểm soát nhà máy cho họ sẽ giải quyết được vấn đề này", Petro Kotin, người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân Ukraine Energoatom, nhấn mạnh.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, các vụ pháo kích của Ukraine vào khu vực nhà máy "vô cùng nguy hiểm". "Chúng tôi hy vọng các nước có tầm ảnh hưởng với giới lãnh đạo Ukraine sẽ dùng sức ảnh hưởng đó để kêu gọi Ukraine ngừng bắn", ông Peskov phát biểu với phóng viên.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine