1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine sẵn sàng dốc ngân sách mua vũ khí đối phó Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine sẵn sàng vay nợ hoặc dùng đến những "đồng tiền cuối cùng" để mua sắm vũ khí phòng không nhằm đối phó với chiến dịch quân sự hiện nay của Nga.

Ukraine sẵn sàng dốc ngân sách mua vũ khí đối phó Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin RT, phát biểu với truyền thông quốc tế ngày 12/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đang rất cần bổ sung các hệ thống vũ khí phòng không.

Ông cho biết, Kiev đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định chính xác có thể mua các hệ thống vũ khí đó ở những nước nào. "Ukraine có thể thiết lập các hệ thống phòng thủ tên lửa. Ukraine đã xác định nơi nào trên thế giới có những vũ khí đó, thậm chí chi tiết đến từng nhà kho", Tổng thống Zelensky nói và tuyên bố Kiev sẵn sàng mua sắm các hệ thống vũ khí như vậy từ bất cứ ai sẵn sàng cung cấp và bất kể giá nào.

"Chúng tôi sẵn sàng mua các hệ thống này, kể cả phải vay nợ, chúng tôi sẵn sàng dốc những đồng tiền cuối cùng trong ngân sách và đặt mua ngay lập tức", Tổng thống Zelensky nói.
Hơn hai tuần kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine, Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ cung cấp vũ khí và lập vùng cấm bay.

Mỹ và các đồng minh đã bác đề xuất lập vùng cấm bay, thay vào đó chỉ cung cấp vũ khí cho Kiev. Các vũ khí này bao gồm tên lửa phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất, tên lửa Strela sản xuất từ thời Liên Xô vẫn còn cất giữ trong kho quân sự của một số nước châu Âu. Số vũ khí do phương Tây viện trợ được tin là đã giúp Ukraine kháng cự hiệu quả đà tiến công của lực lượng Nga.

Trong một diễn biến mới nhất, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 12/3 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine, mở đường cho việc vận chuyển ngay lập tức lô vũ khí mới cho nước này. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp thêm 200 triệu USD vũ khí bao gồm vũ khí loại nhỏ, các vũ khí chống tăng, phòng không.

Quyết định này nâng tổng viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine lên 1,2 tỷ USD kể từ tháng 1/2021 và lên 3,2 tỷ USD kể từ năm 2014.

Trong văn bản chỉ đạo, Tổng thống Biden yêu cầu giải ngân 200 triệu USD hỗ trợ tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine. Ngân sách này ngoài dùng để mua sắm trang thiết bị quân sự còn dùng cho công tác huấn luyện cho quân đội của Ukraine.

"Quyết định này cho phép hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngay lập tức, bao gồm hỗ trợ các hệ thống chống tăng, phòng không, các vũ khí cỡ nhỏ giúp Ukraine tăng cường hàng phòng thủ", một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay.

Trước đó, quốc hội Mỹ đã thông qua khoản ngân sách trị giá 13,6 tỷ USD trong gói hỗ trợ bổ sung, bao gồm 6,5 tỷ USD cho việc điều động quân đội và vũ khí tới Đông Âu và 6,8 tỷ USD cho việc hỗ trợ kinh tế và người tị nạn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Biden dự kiến sẽ ký thông qua vào tuần tới.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine