1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine ráo riết tập không kích bằng Su-25: Chuẩn bị đánh Donbass?

Lực lượng quân sự Ukraine tăng cường thử nghiệm không kích mặt đất bằng Su-25, gây nên lo ngại về leo thang tình hình chiến sự ở Donbass.

Ráo riết luyện tập, nhận thêm đạn dược

Hôm 3/9, người phát ngôn của lực lượng an ninh Cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk (LPR) là ông Andrei Marochko cho biết rằng, lực lượng quân sự Ukraine gần đây đang có những dấu hiệu bất thường như tăng cường tập luyện không kích mặt đất bằng cường kích Su-25.

Ông Marochko dẫn cứ liệu trinh sát tuyên bố với các phóng viên là lực lượng vũ trang Ukraine hiện đang huấn luyện nhóm không quân trên máy bay tấn công Su-25 được biên chế tại sân bay ở thành phố Lutsk, cách không xa khu vực kiểm soát của Nhà nước ly khai này.

Các máy bay cường kích Su-25 của không quân Ukraine đã tăng cường độ xuất kích, đặc biệt là luyện tập bay ở độ cao rất thấp và tìm kiếm mục tiêu để thực hiện các cuộc không kích trong điều kiện “tầm nhìn bằng không”.

Theo ông, Bộ Quốc phòng Lugansk đã biết rằng, lực lượng công trình không quân của Ukraine đang sửa chữa sân bay bỏ hoang trong khu vực Kharkov để có thể "tiếp nhận máy bay vận tải của NATO, giúp chuyển quân và vũ khí, trang bị từ các nước láng giềng".

Người đại diện của lực lượng công an Lugansk cho rằng, Ukraine đang tiến hành một số hoạt động phục vụ, bảo đảm tác chiến, tăng cường luyện tập chiến đấu. Điều đó cho thấy, chính quyền Kiev không từ bỏ giải pháp quân sự để giải quyết xung đột Donbas, và sẵn sàng vi phạm thỏa thuận Minsk 2.

Trước đó, Litva đã chuyển giao cho Ukraine một khối lượng lớn đạn dược dự trữ chưa sử dụng, hiện đang cất trữ trong các kho hậu cần của quân đội. Nếu không “biếu” Ukraine thì quân đội Litva sẽ loại bỏ số đạn này, bởi họ sẽ phải tái trang bị phù hợp với tiêu chuẩn NATO.

Su-25 Ukraine tập tấn công mặt đất (Ảnh minh họa)
Su-25 Ukraine tập tấn công mặt đất (Ảnh minh họa)

Hôm 2/9, Cơ quan dự trữ quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Litva tuyên bố họ đã cung cấp cho quân đội Ukraina toàn bộ số đạn dược mà các lực lượng vũ trang nước này không sử dụng. Việc cung cấp đạn tồn kho đã được thông qua trên cơ sở đề nghị hỗ trợ của Ukraine từ năm 2014.

Bộ Quốc phòng Litva nói thêm rằng, việc vận chuyển đạn dược do quân đội Litva đứng ra tổ chức nhưng mọi chi phí vận chuyển đều do quân đội Ukraina chi trả. Trước đó, Litva cũng đã có những hành động gây lo ngại khi chuyển cho Ukraine các chi tiết trang bị vũ khí.

Chiến sự Donbass

Bình luận về những động thái gần đây của quân đội Ukraine, các chuyên gia quân sự e ngại rằng, việc các nước Baltic tái cơ cấu trang bị theo chuẩn NATO sẽ khiến họ dư thừa số lượng lớn vũ khí, đạn dược và sẽ công khai hoặc bí mật cung cấp các vũ khí sát thương cho lực lượng vũ trang Ukraine, tăng cường sức mạnh và củng cố lòng tin cho quân đội nước này trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai miền Đông đất nước.

Rất có thể việc Ukraine sửa chữa các sân bay ở Kharkov là nhằm mục đích tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ các nước châu Âu nói chung và Baltic nói riêng. Việc vũ khí, trang bị được tập kết ở khu vực sát với lãnh thổ của các nước cộng hòa ly khai này là điều rất đáng báo động.

Ngoài ra, tuy Mỹ công khai tuyên bố không cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Nga, nhưng một số chuyên gia nhận định rằng, Washington có thể bí mật cung cấp súng đạn cho chính quyền Kiev thông qua đồng minh.

Dấu hiệu gia tăng căng thẳng đã nổi lên khi trong thời gian qua, lực lượng ly khai Donbass liên tục tố cáo quân đội Ukraine vẫn liên tiếp nã pháo vào các khu dân cư khiến nhiều thường dân thiệt mạng và phá hoại công trình công cộng, nhà cửa của dân.

Ngoài ra, lực lượng dân quân Donbass cũng tuyên bố rằng, lực lượng vũ trang Ukraine đã liên tiếp tung các toán thám báo, biệt kích xâm nhập vào vùng lãnh thổ do họ kiểm soát để tiến hành các hoạt động đánh bom, đặt mìn phá hoại các công trình nhằm gây hoang mang trong vùng “địch hậu”.

Đặc biệt là trong thời gian qua đã có liên tiếp vài âm mưu cử biệt kích vào vùng kiểm soát của DPR và LPR nhằm ám sát 2 lãnh tụ của 2 Nhà nước tự xưng LPR và DPR là ông Igor Plotnitsky và ông Alexandr Zakharchenko. Rất may là họ đã an toàn hoặc chỉ bị thương nhẹ.

Việc Thỏa thuận Minsk 2 lâm vào bế tắc khi chính quyền Kiev không thực hiện các điều khoản quan trọng như Quy chế về quyền tự trị, Quy chế bầu cử, khôi phục khôi phục hoạt động của các cơ quan hành chính và các hoạt động kinh tế-xã hội… ở Donbass đã cho thấy, hòa bình còn lâu mới trở lại ở miền Đông Ukraine.

Thêm vào đó, những hành động củng cố lực lượng, tăng cường vũ khí, ráo riết luyện tập tấn công… của quân đội Ukraine cũng là dấu hiệu cho thấy, rất có thể cuộc nội chiến miền Đông kéo dài gần 2 năm qua sẽ tiếp tục bùng lên ở đất nước này.

Theo Nhật Nam

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm