1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ ngầm nói Ukraine liệu đường lo thân?

Dù tuyên bố mạnh mẽ với Nga, nhưng Mỹ đang muốn nhắn gửi Ukraine tự thân lo liệu, chuẩn bị các biện pháp đối phó nguy cơ... từ Moskva.

Mỹ tuyên bố mạnh mẽ với Nga về Ukraine

Ông Daniel Fried, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố, Washington đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch hành động trong trường hợp Ukraine bị một cuộc tấn công từ quân đội của Tổng thống Nga Putin.

Theo quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà Trắng đã thảo luận về kế hoạch với các đối tác châu Âu nhằm chuẩn bị cao nhất cho các biện pháp tổng lực để đối phó với điện Kremlin...

Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ  tuyên bố đã thảo luận về kế hoạch với các đối tác châu Âu nhằm đối phó với điện Kremlin.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã thảo luận về kế hoạch với các đối tác châu Âu nhằm đối phó với điện Kremlin.

Ông Daniel Fried không tiết lộ chi tiết kế hoạch, song nhấn mạnh, lệnh trừng phạt chống Nga sẽ được thắt chặt hơn nếu chiến sự tại khu vực Donbass tiếp tục.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 1/9, Mỹ đã công bố thêm danh sách các công ty và cá nhân chịu trừng phạt vì Nga vẫn “tiếp tục ủng hộ phe ly khai ở Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014”.

Danh sách trừng phạt gồm 17 người Ukraine phe ly khai, 11 người trong số này thuộc chính quyền Crimea sau khi bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Nhiều công ty Nga hoạt động ở Crimea, gồm cả doanh nghiệp hàng hải và quốc phòng, cũng có tên trong danh sách.

Lệnh trừng phạt nhằm ngăn những công ty trên tham gia mạng lưới tài chính toàn cầu, từ đó hạn chế khả năng kinh doanh của họ. Nó cũng ảnh hưởng phần nào đến chính các ngân hàng Mỹ, chi nhánh ngân hàng Mỹ tại nước ngoài.

Trước đó, hôm 24/8, khi phát biểu trên truyền hình nhân ngày lễ Quốc khánh, Tổng thống Poroshenko tuyên bố Nga mong muốn nhìn thấy toàn bộ Ukraine là một phần của "đế chế Nga".

“Nga không cần Donetsk hay Lugansk, họ cần tất cả đất nước tôi phụ thuộc vào đế chế Nga”, ông Poroshenko nói.

Tổng thống - người đứng đầu chính phủ Kiev một lần nữa cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc xung đột ở miền Đông Nam nước này, khi nhấn mạnh rằng trong thời gian gần đây, 80% các vụ tấn công ở Donbass đều do Nga và quân đội của các nước cộng hòa tự xưng thực hiện.

Thậm chí trước mối lo ngại từ Nga, Ukraine cũng tuyên bố đặt quân đội ở miền đông và vùng giáp Crimea trong tình trạng báo động.

“Căn cứ vào tình hình những sự kiện vừa xảy ra, tôi yêu cầu tất cả các đơn vị quân sự thuộc lực lượng biên phòng, cảnh vệ, an ninh của Ukraine phát lệnh báo động cao nhất, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt là các đơn vị quân sự nằm dọc theo khu vực hành chính với bán đảo Crimea và trong các khu vực chiến tuyến quân sự ở miền Đông Donbass”, ông Poroshenko tuyên bố.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định quân đội Nga không đi xâm lược Ukraine.

Ukraine liệu đường lo thân?

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ với điện Kremlin xung quanh vấn đề Ukraine. Ngay từ thời điểm năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước này, Nhà Trắng đã ra sức đe dọa cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt.

“Nếu Nga tiếp tục theo chiều hướng hiện nay, sự cô lập sẽ được tăng cường, lệnh trừng phạt sẽ được bổ sung, và nền kinh tế Nga sẽ phải chịu thêm nhiều hậu quả”, ông Obama từng hứa hẹn.

Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp đồng sự Nga Sergey Lavrov 20 lần trong vòng 12 tháng sau đó và tới Moskva 2 lần để gặp ông Putin, chỉ để chắc chắn rằng Nga không bị "cô lập" quá.

Mỹ ngầm nói Ukraine liệu đường lo thân? - 2

Mỹ ngầm nhắc Ukraine tự lo nấy thân trong cuộc đối đấu với Nga?

Lần này cũng vậy. Giới phân tích cho rằng, đối tượng chính mà Nhà Trắng muốn hướng tới trong thông điệp của mình là Ukraine chứ không hẳn là Nga. Bởi lẽ Moskva sẽ không dại dột gì đơn phương kích hoạt điểm nóng Ukraine bằng cuộc xâm lấn toàn diện. Vì vậy, điều kiện để Nhà Trắng và phương Tây liên kết lại để đối phó, trừng phạt điện Kremlin gần như rất khó xảy ra.

Do đó, trong hoàn cảnh này, điều Kiev nên làm là tự thân lo liệu các biện pháp nhằm đối phó với những "nguy cơ" từ Moskva.

Điều này không hẳn là vô lý khi nhìn vào cách Mỹ cư xử với những lời đề nghị của Ukraine thời gian qua.

Mới đây, hôm 27/8, thay vì đáp ứng yêu cầu các vũ khí nóng của chính quyền Kiev, Mỹ đã chuyển giao cho nước này lô 40 xe M1152 Humvee trang bị module cứu thương Burtek B4731. Phiên bản cải tiến thành xe cứu thương của Humvee bao gồm khung gầm tiêu chuẩn AM General M1152, buồng lái 2 cửa và buồng cứu thương Burtek B4731.

Mỹ cũng đã từng bàn giao cho Ukraine rất nhiều xe Humvee nhưng đó đều là các biến thể được sử dụng cho nhiệm vụ chiến đấu. Đây chủ yếu là các mẫu xe đã được quân đội Mỹ sử dụng từ lâu nhưng giờ được tân trang lại để trợ cấp cho Ukraine.

Tuy nhiên một số chỉ huy quân sự Ukraine phàn nàn rằng, những xe bọc thép hay thiết bị khác, cùng một số loại quân trang mà chính phủ Mỹ cung cấp là hàng đã cũ, giá trị sử dụng không cao, lại hay hỏng hóc, gây nguy hiểm cho binh lính trong hoạt động huấn luyện thao diễn thông thường.

Thậm chí mới đây, tờ Fox News còn đưa ra nhận định: Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực sự bị ông Putin bắt bài và sẽ chẳng động binh nếu Nga nổ súng sang đất Ukraine.

“Ukraine vừa phải đặt quân đội của mình vào tình trạng báo động cao, và một số người cho rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm nước láng giềng phía Tây của mình. Vậy nước Mỹ sẽ làm gì? Câu trả lời sẽ là: Không làm gì”.

Nhận định này của tờ báo Mỹ có phần trùng hợp với tình hình nóng hiện nay tại Nga- Ukraine: Mỹ đã lên tiếng đảm bảo rằng "sự xâm lược" của Nga tại Ukraine là không hề xảy ra.

Sputnik ngày 21/8 dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Davis cho rằng sự điều động của quân đội Nga ở Crimea và trên biên giới với Ukraine không phải là dấu hiệu chuẩn bị cho "cuộc xâm lược".

"Chúng tôi không thấy ý tưởng mà nhiều người theo đuổi rằng sẽ xảy ra một cuộc tăng cường lực lượng, hoặc điều động quân nào đó", ông Davis nói.

Theo Tuấn Hùng (Tổng hợp)

Đất Việt