1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine phản hồi đề xuất đổi lãnh thổ lấy hòa bình với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine nêu quan điểm của Kiev sau đề xuất nhượng lãnh thổ lấy hòa bình với Nga sau hơn 2 năm xung đột.

Ukraine phản hồi đề xuất đổi lãnh thổ lấy hòa bình với Nga - 1

Lính Ukraine gần biên giới Nga (Ảnh: Reuters).

Trong tuyên bố hôm 1/10, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nhấn mạnh sự cần thiết của việc đòi hòi trách nhiệm đầy đủ của Nga và "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, bao gồm cả Crimea", thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp về lãnh thổ.

"Nếu không làm như vậy, đó sẽ là một cuộc chiến tranh bị trì hoãn. Châu Âu không thể để xảy ra vùng xám hoặc xung đột đóng băng", ông Sybiha nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Sybiha cũng nhắc lại "công thức hòa bình" của Ukraine, gọi đây là con đường duy nhất để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine và lục địa châu Âu.

Tuyên bố của nhà ngoại giao Ukraine được đưa ra sau khi Financial Times ngày 30/9 đăng một bài báo cho rằng, các quan chức Ukraine được cho là đã cởi mở hơn trong các cuộc thảo luận với các đối tác phương Tây về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng.

Bài báo cho biết một thỏa thuận ngừng bắn như vậy sẽ cho phép các lực lượng Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh thực sự.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine đã phủ nhận thông tin do Financial Times đưa ra, nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Sybiha, trong các cuộc họp kín, đã khẳng định không thể chấp nhận các thỏa hiệp về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Theo Tổng thống Zelensky, tính đến cuối tháng 8, Nga đã kiểm soát khoảng 27% lãnh thổ Ukraine.

Các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine được quân đội Nga kiểm soát một phần. Nga tuyên bố đã sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này mặc dù không kiểm soát hoàn toàn.

Moscow cũng kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.

Nga đã kêu gọi quân đội Ukraine rời khỏi các vùng lãnh thổ này như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất này.

Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tổ chức dựa trên công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Zelensky, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.

Tổng thống Zelensky mới đây tuyên bố, cuộc chiến có thể sắp kết thúc, sớm hơn so với nhiều người nghĩ. Ông nhiều lần bác bỏ ý tưởng về việc nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.

Về điều này, trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuần trước cho rằng, một thỏa thuận buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột là "sự đầu hàng", không phải hòa bình.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chỉ kết thúc khi đạt được các mục tiêu đề ra bằng cách này hay cách khác.

Theo Pravda