Ukraine nêu lối thoát duy nhất cho cuộc xung đột với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không có lựa chọn thay thế nào khác cho công thức hòa bình do ông đưa ra.
Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ở Warsaw hôm 8/7, Tổng thống Zelensky một lần nữa tuyên bố công thức hòa bình do ông đưa ra là phương án duy nhất nhằm giải quyết xung đột và không có lựa chọn thay thế. Nhà lãnh đạo Ukraine bác bỏ các đề xuất khác nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Theo Tổng thống Zelensky, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Mỹ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga vì các nước này có nền kinh tế và quân đội hùng mạnh.
"Chỉ những đồng minh nghiêm túc và mạnh mẽ mới có thể đóng vai trò hòa giải. Có nhiều quốc gia như vậy trên thế giới không? Không, không nhiều", ông Zelensky nói.
"Tôi nghĩ Mỹ là một trong những quốc gia như vậy (đóng vai trò hòa giải), cùng với Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Không riêng một quốc gia nào, mà là cả khối EU. Đó có thể là sứ mệnh hòa giải", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm.
Trước đó, Tổng thống Zelensky lưu ý rằng một số vấn đề nhất định có thể được giải quyết với Nga trong các cuộc đàm phán và một văn kiện có thể được soạn thảo khá nhanh chóng.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podolyak, cuối tuần qua cho biết Kiev có thể chuyển đề xuất hòa bình của mình cho Moscow thông qua trung gian, tương tự cách mà Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen năm 2022.
Theo ông, việc sử dụng trung gian hòa giải có thể giúp giảm căng thẳng và tìm ra giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên. Điều này cũng tránh việc đàm phán trực tiếp mà ở hiện tại không thể chấp nhận được về mặt chính trị đối với cả Ukraine và Nga.
Tháng 9/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và trả lại quyền kiểm soát cho Ukraine đối với " vùng đặc quyền kinh tế" ở Biển Azov và Biển Đen. Kiev cũng yêu cầu Moscow bồi thường chiến tranh.
Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia hôm 1/7 tuyên bố Moscow "thậm chí không bàn luận đến việc giải quyết vấn đề dựa trên công thức hòa bình của ông Zelensky".
Nhà ngoại giao Nga cho biết, Moscow không coi "công thức hòa bình" mà Ukraine đưa ra là khởi đầu cho bất cứ cuộc hòa đàm nào giữa hai nước.
Tổng thống Putin từng nêu rõ quan điểm rằng khó chấm dứt xung đột ở Ukraine chỉ qua trung gian. Ông Putin gần đây cũng đưa ra đề xuất hòa bình với Ukraine.
Theo đề xuất này, Nga đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk cũng như vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.