Nga muốn đàm phán với Ukraine, nêu hướng giải quyết xung đột
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng cần phải tạo ra một nền tảng hòa bình quốc tế để giải quyết xung đột Ukraine.
"Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine. Chúng tôi chắc chắn chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 8/7.
"Ngược lại, chúng tôi ủng hộ ý tưởng đàm phán với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Hiện tại, không có nền tảng nào như vậy và chúng tôi có thể đồng ý với ông Fidan về điều đó", ông Peskov nói thêm.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Moscow đồng ý với tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan rằng, cần phải tạo ra một nền tảng hòa bình quốc tế để giải quyết xung đột Ukraine.
Ông Fidan đã tham gia cuộc họp của các ngoại trưởng nhóm BRICS+ tại thành phố Nizhny Novgorod trong khuôn khổ chuyến thăm Nga vào tháng 6. Ông cũng hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergey Shoigu. Theo các nguồn tin, các bên đã thảo luận về việc giải quyết Ukraine cũng như tình hình ở Dải Gaza và Syria.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Nga đánh giá cao những nỗ lực của Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhằm làm rõ lập trường của Nga và Ukraine trong việc giải quyết xung đột.
"Ông Orban đang thực hiện một sáng kiến nghiêm túc để so sánh quan điểm của các bên khác nhau và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này của ông Orban", ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, "có rất nhiều bất đồng giữa các bên liên quan, nhưng ít nhất ông Orban đang thực hiện một nỗ lực rất nghiêm túc để hiểu bản chất của những bất đồng này và điều này được đánh giá rất cao".
Vào ngày 8/7, Thủ tướng Orban đã đến thăm Trung Quốc. Trước đó, vào ngày 5/7, ông đã gặp Tổng thống Putin tại Moscow để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình. Vào ngày 2/7, ông Orban đã đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine để trao đổi về những nỗ lực hòa bình với Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Thủ tướng Hungary cho biết ông muốn thảo luận về khả năng giải quyết xung đột Ukraine với 5 bên chủ chốt là Nga, Ukraine, Mỹ, EU và Trung Quốc.
Gergely Gulyas, chánh văn phòng thủ tướng Hungary, cho biết Hungary hy vọng các cường quốc trên thế giới có thể hối thúc Ukraine và Nga tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột.
"Các quan chức từ các nước lớn ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ nên đưa các bên xung đột đến bàn đàm phán để đảm bảo ngừng bắn, khởi động các cuộc đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến tranh cũng như những thương vong đang diễn ra trong hai năm rưỡi qua", ông Gulyas nhấn mạnh.
Thủ tướng Orban cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc rằng ngoài Nga và Ukraine, câu trả lời cho câu hỏi khi nào cuộc xung đột sẽ kết thúc cũng phụ thuộc "vào quyết định của ba cường quốc thế giới gồm Mỹ, EU, Trung Quốc".
"Đây là lý do chúng tôi đến Bắc Kinh sau cuộc gặp với các bên tham chiến", thủ tướng Hungary viết trên Facebook.
Ông Orban đã nhiều lần nói rằng chỉ có thể tìm ra giải pháp cho tình hình ở Ukraine cùng với Mỹ và EU vì cuộc xung đột đang ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu. Ông cũng nói rằng Hungary ủng hộ các sáng kiến hòa bình của Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột Ukraine.
Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hungary Viktor Orban ở Moscow ngày 5/7, Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố: "Không nên tồn tại một thỏa thuận ngừng bắn hay đóng băng xung đột mà Ukraine có thể lợi dụng để bù đắp tổn thất, tái vũ trang và tập hợp lực lượng".
Chủ nhân Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ ngừng bắn ngay lập tức nếu Ukraine chấp thuận một số điều kiện. Những điều kiện này gồm Ukraine phải rút hết quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập (Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk), cam kết trung lập, không gia nhập NATO.
Moscow cho rằng đây là cách nhanh nhất để chấm dứt xung đột. Mặt khác, Nga cảnh báo, nếu Ukraine từ chối đề xuất hòa bình này, các đề xuất sau này sẽ càng bất lợi cho Ukraine.
Mặc dù vậy, Kiev và các đồng minh, đối tác phương Tây đã bác bỏ đề xuất.