Ukraine nêu con đường duy nhất chấm dứt xung đột với Nga
(Dân trí) - Ukraine tuyên bố công thức hòa bình của Kiev vẫn là con đường thực tế duy nhất để khôi phục nền hòa bình công bằng.
"Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu đầu tiên ở Thụy Sĩ, trong đó có cả Hungary tham dự, hơn 100 đại diện từ các quốc gia và tổ chức quốc tế có chung tầm nhìn về hòa bình dựa trên sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Hiến chương Liên hợp quốc", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố hôm 5/7, bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới Nga.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên cho Ukraine đã diễn ra ở Thụy Sĩ hồi tháng trước với hơn 90 quốc gia tham dự. Tuy nhiên, chỉ có 80 quốc gia ký tuyên bố chung. Hội nghị, không có sự tham dự của Nga hay Trung Quốc, đã kết thúc với cam kết mơ hồ về một lần gặp tiếp theo, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.
Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định, hội nghị là nền tảng quan trọng để tìm cách khôi phục nền hòa bình công bằng. Theo đó, công thức hòa bình của Ukraine vẫn là con đường thực tế duy nhất để khôi phục nền hòa bình công bằng.
Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh, phía Hungary quyết định thực hiện chuyến thăm Nga mà không có sự đồng ý hoặc chấp thuận của Ukraine.
"Nguyên tắc "không có thỏa thuận nào về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine" vẫn không thể bị phá vỡ đối với chúng tôi và chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này", Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ.
Thủ tướng Orban cho biết, cuộc hội đàm giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/7 xoay quanh việc tìm ra "lối thoát ngắn nhất" cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Orban thừa nhận quan điểm của Moscow và Kiev vẫn rất "cách xa nhau", đề cập đến chuyến đi gần đây của ông tới Kiev để gặp lãnh đạo Ukraine.
"Rất nhiều bước cần phải được thực hiện để tiến gần hơn tới một giải pháp cho cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện bước quan trọng nhất là thiết lập mối liên hệ và tôi sẽ tiếp tục làm việc này trong tương lai", ông Orban nói.
Theo ông Orban, trong 2 năm rưỡi gần đây, Hungary là một trong số ít quốc gia châu Âu duy trì liên lạc với cả Nga và Ukraine.
"Đó là lý do tôi đến thăm Kiev trong tuần này và đó là lý do tôi đang ở Moscow bây giờ", ông Orban tuyên bố.
Ông Orban lưu ý rằng cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến khu vực châu Âu rộng lớn hơn, đồng thời cho biết lục địa này chỉ có thể phát triển nhanh chóng và bền vững nhất trong thời bình.
"Như tôi đã nói với ngài Tổng thống (Vladimir Putin), châu Âu cần hòa bình. Tuy nhiên, nền hòa bình này sẽ không tự xuất hiện, chúng ta phải nỗ lực để đạt được nó", Thủ tướng Orban nhấn mạnh.
Nga nêu lý do Ukraine không ngừng bắn
Tổng thống Putin đã nhắc lại sự sẵn sàng của Moscow trong việc giải quyết cuộc xung đột thông qua đàm phán. Tuy nhiên, theo ông Putin, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn không thể từ bỏ ý tưởng tiến hành xung đột "cho đến cùng".
Tổng thống Putin cho biết Moscow đang tìm cách đạt được hòa bình lâu dài, bền vững thay vì lựa chọn ngừng bắn tạm thời hoặc "xung đột đóng băng" dưới bất kỳ hình thức nào.
"Không nên có một lệnh ngừng bắn hoặc một hình thức tạm dừng nào đó mà chính quyền Kiev có thể sử dụng để khắc phục tổn thất, tập hợp lại và tái vũ trang. Nga ủng hộ việc chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột", ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Putin, Ukraine bác bỏ ý tưởng ngừng bắn vì nếu ngừng bắn, Kiev sẽ không có lý do gì để thiết quân luật.
"Kiev vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ ý tưởng xung đột cho đến khi chiến thắng. Theo tôi, chính ý tưởng chấm dứt chiến sự cũng bị chính quyền Kiev bác bỏ, vì trong trường hợp này cái cớ để gia hạn thiết quân luật không còn nữa", nhà lãnh đạo Nga nói.
"Một khi họ chấm dứt thiết quân luật, họ sẽ phải tổ chức bầu cử, vì cuộc bầu cử tổng thống đã không diễn ra đúng kế hoạch. Khi đó, cơ hội giành chiến thắng cho những nhà cầm quyền Ukraine gần bằng 0", ông Putin nhận định.
Theo quy định của hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.
Hungary đảm nhận chức chủ tịch EU kéo dài 6 tháng vào ngày 1/7. Ngày hôm sau, ông Orban đến thăm Kiev và hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thủ tướng Hungary đã đưa ra các điều kiện ngừng bắn, nhưng ông Zelensky đã từ chối.
Thủ tướng Orban giải thích rằng ông đại diện cho châu Âu, lục địa quan tâm đến hòa bình, có thể đạt được thông qua đàm phán với Nga, nhưng Kiev đã cấm các cuộc đàm phán này theo sắc lệnh của Tổng thống Zelensky.
Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".
Ukraine cho đến nay vẫn coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".