Ukraine nêu 3 yếu tố giúp chấm dứt xung đột với Nga
(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra lộ trình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua với Nga.
"Sự kiên nhẫn, sự hỗ trợ và áp lực ngoại giao là 3 yếu tố để kết thúc chiến tranh. Nếu Mỹ và các quốc gia châu Âu duy trì sự đoàn kết, sẽ có thêm áp lực và cho Moscow thấy rằng họ không có cơ hội nào cả", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với đài NHK (Nhật Bản) hôm 26/7.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông không thể đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn, trong khi Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine. Ông vẫn tiếp tục kêu gọi các nước tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các khí tài hạng nặng như máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không, nhằm đối phó Nga.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết Kiev sẽ bắt đầu thảo luận chi tiết với các quốc gia liên quan về toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề khác. Ông thông báo sẽ lập một kế hoạch hành động vì hòa bình vào cuối tháng 11.
Xung đột Ukraine đã bước sang năm thứ 3 và các cuộc giao tranh khốc liệt vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các lực lượng Nga dường như đã giành lại các cứ điểm ở miền đông và miền nam Ukraine, nơi Kiev tuyên bố đã giành được vào năm ngoái trong một chiến dịch phản công.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Nhật Bản.
"Nhật Bản là đại diện của Nhóm G7 và đã cung cấp cho chúng tôi hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và kỹ thuật. Họ đã hỗ trợ chúng tôi rất nhanh chóng. Đây là quốc gia đầu tiên không thuộc NATO ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Ukraine", ông Zelensky cho biết.
Ông bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ sử dụng ảnh hưởng của nước này đối với các quốc gia khác với tư cách là nước dẫn đầu trong khu vực Thái Bình Dương và hợp tác để tái thiết Ukraine.
Tổng thống Zelensky nhiều lần nhấn mạnh, các cuộc đàm phán hòa bình khả thi duy nhất sẽ dựa trên công thức hòa bình của Ukraine.
Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.
Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.
Nga đã đặt ra các điều khoản của nước này để bắt đầu lệnh ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. Các điều khoản bao gồm rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia, cũng như cam kết pháp lý từ Kiev về việc không gia nhập NATO.
Vào tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức "hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine" với sự tham dự của hơn 90 phái đoàn. Nga không được mời tham dự sự kiện này và một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã từ chối tham gia với lý do Moscow cũng cần phải tham gia vào quá trình này.
Trong một động thái bất ngờ, ông Zelensky hôm 4/7 dường như đã dịu giọng khi thừa nhận khả năng có một phái đoàn Nga tham dự hội nghị hòa bình tiếp theo vào cuối năm nay.