1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine lên tiếng về đề xuất thỏa hiệp lãnh thổ với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine tuyên bố việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi tất cả vùng lãnh thổ bị kiểm soát là điều kiện cần thiết cho một "nền hòa bình công bằng và lâu dài".

Ukraine lên tiếng về đề xuất thỏa hiệp lãnh thổ với Nga - 1

Lính Ukraine ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).

Trong một tuyên bố được đăng tải hôm 25/9, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết "không thể có một giải pháp nửa vời" và việc Nga rút toàn bộ quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine là "một kịch bản thực tế".

"Việc rút quân Nga khỏi các vùng lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận là một trong những điều khoản bắt buộc trong công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.

"Điều này và các điều khoản khác của công thức hòa bình sẽ đảm bảo một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài không chỉ cho Ukraine mà còn cho toàn bộ lục địa châu Âu và thế giới", Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ.

Trước đó, Tổng thống Séc Petr Pavel bình luận với New York Times rằng Ukraine nên chấp nhận khả năng một số lãnh thổ của nước này có thể "tạm thời" nằm dưới sự kiểm soát của Nga sau khi xung đột kết thúc.

Ông Pavel tin rằng một động thái "thỏa hiệp" tạm thời về lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát là có thể chấp nhận được nếu điều đó cho phép cuộc chiến chấm dứt.

"Việc Ukraine hay Nga thất bại hoàn toàn không bao giờ xảy ra. Vì vậy, kết cục sẽ đâu đó ở giữa. Kết quả xung đột nhiều khả năng nhất là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga, một cách tạm thời", Tổng thống Pavel nói. Nhà lãnh đạo Séc cũng dự đoán "tình trạng tạm thời" như vậy có thể kéo dài hàng năm.

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.

Theo Tổng thống Zelensky, tính đến cuối tháng 8, Nga đã kiểm soát khoảng 27% lãnh thổ Ukraine.

Các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine được quân đội Nga kiểm soát một phần. Nga tuyên bố đã sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này mặc dù không kiểm soát hoàn toàn hai thủ phủ khu vực, gồm Kherson và Zaporizhzhia.

Moscow cũng kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.

Nga đã kêu gọi quân đội Ukraine rời khỏi các vùng lãnh thổ này như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất này.

Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tổ chức dựa trên công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Zelensky, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng dự kiến trình bày "kế hoạch chiến thắng" của mình với Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ vào tuần này.

Ukraine đã phác thảo một "kế hoạch chiến thắng" với nhiều điểm khác nhau, trong đó có việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nhằm gây sức ép, đồng thời hối thúc NATO kết nạp Ukraine, kêu gọi phương Tây tăng cường trừng phạt Nga.

Mặc dù vậy, một số quan chức phương Tây cảnh báo không nên kỳ vọng quá nhiều vào kế hoạch chiến thắng của Ukraine. Các nước phương Tây cũng bắt đầu lo lắng về an ninh của chính mình khi Nga tiếp tục sản xuất vũ khí có thể gây ảnh hưởng ra ngoài Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi Ukraine đạt được một nền hòa bình bền vững.

Theo Kyiv Independent