1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Mọi kế hoạch hòa bình phải gồm lập vùng phi quân sự với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Quan chức Ukraine nêu rõ, mọi kế hoạch hòa bình phải đáp ứng hai điều kiện, trong đó có việc lập vùng phi quân sự ở biên giới giữa Nga và Ukraine.

Ukraine: Mọi kế hoạch hòa bình phải gồm lập vùng phi quân sự với Nga - 1

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak (Ảnh: Reuters).

Guardian đưa tin, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, ngày 29/5 cho biết, một kế hoạch hòa bình được coi là có thể chấp nhận được với Kiev không chỉ khôi phục chủ quyền lãnh thổ mà còn bao gồm thỏa thuận lập một khu phi quân sự kéo dài 100-200km giữa biên giới Ukraine và Nga.

"Chủ đề chính của các thỏa thuận dàn xếp hậu xung đột là thiết lập các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn các hành động tấn công trong tương lai. Để đảm bảo an ninh thực sự cho cư dân của các vùng Kharkov, Chernihiv, Sumy, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk, bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị pháo kích, cần phải thiết lập một khu phi quân sự 100-120km trên lãnh thổ Belgorod, Bryansk, Kursk, Rostov (Nga). Khu vực này ban đầu có thể do lực lượng quốc tế giám sát", ông Podolyak nêu rõ.

Đây không phải lần đầu tiên giới chức Ukraine đưa ra ý tưởng về việc lập một vùng phi quân sự ở biên giới với Nga. Phát biểu trên truyền hình ngày 17/5, Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov cũng đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự kéo dài 100km giữa hai nước.

"Câu hỏi chấm dứt xung đột có thể bao gồm việc thiết lập một vùng phi quân sự. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Đây sẽ là một khu vực không thể bị tấn công bằng các phương tiện thông thường. Theo tôi, 100km là khoảng cách hợp lý", ông Budanov nói.

Trong khi đó, hồi tháng 3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, Moscow muốn tạo vùng đệm phi quân sự bên trong Ukraine, quanh các khu vực nước này đã sáp nhập. Khu vực này sẽ cấm sử dụng các loại vũ khí tầm ngắn và tầm trung, nghĩa là từ 70-100km.

Bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, triển vọng hòa đàm giữa Moscow và Kiev vẫn mờ mịt khi hai bên đưa ra những điều kiện của riêng mình.

Ukraine nhiều lần tuyên bố, bất cứ kế hoạch hòa giải nào phải bao gồm việc khôi phục toàn bộ chủ quyền lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới được quốc tế công nhận năm 1991. Nga nói, họ không thấy triển vọng chấm dứt xung đột khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra luật cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, do vậy, Moscow không còn lựa chọn nào ngoài biện pháp quân sự.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Josep Borrell hôm qua đánh giá, Nga sẽ không đàm phán cho đến khi đạt các mục tiêu của chiến dịch quân sự.

"Rõ ràng người Nga đang muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Cho đến khi đó, họ sẽ không chấp nhận đàm phán", ông Borrell bình luận. Ông viện dẫn lại việc Moscow nhiều lần tuyên bố sẽ không dừng chiến dịch quân sự đến chừng nào đạt được các mục tiêu đề ra.

"Tôi e rằng, từ giờ đến mùa hè, xung đột vẫn tiếp diễn. Nga đã triển khai 300.000 binh sĩ ở Ukraine, gấp đôi khi bắt đầu mở chiến dịch quân sự", ông Borrell nói. Do vậy, ông cảnh báo, nếu phương Tây ngừng hỗ trợ, Ukraine khó có thể phòng vệ.

Theo Guardian