1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga lên tiếng về đề xuất Ukraine "nhượng lãnh thổ để giải quyết xung đột"

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố không bác bỏ bất kỳ phương án nào giải quyết xung đột Ukraine, bao gồm kế hoạch hòa bình của thủ tướng Đức.

Nga lên tiếng về đề xuất Ukraine nhượng lãnh thổ để giải quyết xung đột - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay 9/9 cho biết Nga mới chỉ nghe thông tin về "kế hoạch hòa bình" của Thủ tướng Đức Olaf Scholz qua phương tiện truyền thông, nhưng không biết bất kỳ chi tiết nào.

"Chúng tôi không biết gì hơn ngoài những gì các hãng tin đưa tin, rằng một số kế hoạch đang được thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi không biết kế hoạch đó có thể liên quan đến những chi tiết nào. Chúng tôi không bác bỏ bất kỳ kế hoạch nào trước, nhưng cần phải hiểu rõ kế hoạch đó là gì", ông Peskov nói.

Trước đó, báo La Repubblica (Italy) đưa tin Thủ tướng Scholz đã chuẩn bị kế hoạch riêng về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó không loại trừ việc trao một số vùng lãnh thổ của Ukraine cho Moscow.

"Ông Scholz đang xây dựng một kế hoạch hòa bình để đưa Nga vào bàn đàm phán. Kế hoạch cho rằng Kiev sẽ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ", La Repubblica đưa tin.

Thủ tướng Đức hôm 8/9 nhấn mạnh sự cần thiết của việc nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài giữa Moscow và Kiev.

 "Tôi tin bây giờ là lúc để thảo luận cách thức đạt được hòa bình với tốc độ nhanh hơn", ông Scholz nói.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố vẫn để ngỏ đàm phán với Nga, nhưng khẳng định không nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Sau hơn 2 năm kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, trong đó có bán đảo Crimea.

Trong cuộc phỏng vấn với báo Le Monde hôm 31/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được hỏi rằng liệu văn phòng tổng thống có đang thảo luận về khả năng nhượng lại lãnh thổ để đạt được nền hòa bình lâu dài và công bằng hay không, ông Zelensky tuyên bố vấn đề lãnh thổ của Ukraine phải do người dân nước này quyết định.

"Bạn phải hiểu rằng bất kỳ vấn đề nào liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều không thể được giải quyết bởi tổng thống, hay bất kỳ người nào khác trên thế giới, hoặc tất cả tổng thống trên thế giới, nếu không có người dân Ukraine. Điều đó là không thể. Điều này đi ngược lại Hiến pháp Ukraine. Do đó, đây là một câu hỏi nội bộ mà chỉ chúng tôi mới có thể trả lời. Tuy nhiên, mối quan tâm này sẽ chỉ được xem xét nếu nó được nêu ra một cách công khai", ông Zelensky nói.

"Ukraine sẽ không bao giờ từ bỏ lãnh thổ của mình. Chính quyền không có quyền để trao lãnh thổ của họ. Bởi vì điều này vi phạm Hiến pháp Ukraine", ông Zelensky nhấn mạnh.

Theo ông Zelensky, để Ukraine nhượng lại lãnh thổ, người dân Ukraine phải thể hiện mong muốn điều này thông qua trưng cầu dân ý. Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông không thể đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn, trong khi Nga vẫn tiếp tục kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Moscow coi các điều kiện này của Kiev là phi thực tế. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố luôn để ngỏ đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột, nhưng với điều kiện phải dựa trên tình hình thực tế, xét đến các lợi ích an ninh của Nga.

Nga đã đặt ra các điều khoản của nước này để bắt đầu lệnh ngừng bắn và khởi động các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev. Các điều khoản bao gồm rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Nga đã tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia, đồng thời cam kết pháp lý từ Kiev về việc không gia nhập NATO.

Theo Tass