1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine lên tiếng về đề xuất nhượng bộ lãnh thổ để gia nhập NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Ukraine đã lên tiếng sau khi cựu tổng thư ký NATO đề xuất phương án để Kiev gia nhập liên minh quân sự.

Ukraine lên tiếng về đề xuất nhượng bộ lãnh thổ để gia nhập NATO - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Kiev, Ukraine hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters).

Ông Mikhail Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, ngày 12/11 tuyên bố Ukraine không cần bất kỳ sáng kiến nào, trong đó yêu cầu nước này nhượng lại một phần lãnh thổ để đổi lấy một số bảo đảm và tư cách thành viên NATO.

"Tôi thích (mỉa mai) những đề xuất kỳ lạ về "giải quyết xung đột ở Ukraine". Ví dụ, đôi khi người ta có thể nghe thấy gợi ý tuyệt vời rằng Ukraine có thể dễ dàng gia nhập NATO từng phần", ông viết trên mạng xã hội X.

Theo ông Podolyak, giải pháp duy nhất hiện nay là "viện trợ quân sự hoặc công nghệ" quy mô lớn cho Ukraine.

Tuyên bố của quan chức Ukraine được đưa ra sau khi Guardian hôm 11/11 dẫn lời cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng NATO nên mời Ukraine tham gia liên minh mà không cần xem xét đến các vùng lãnh thổ mà Ukraine không còn kiểm soát.

"Đã đến lúc thực hiện bước tiếp theo và đưa ra lời mời Ukraine gia nhập NATO. Chúng ta cần một cấu trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Ukraine là trung tâm của NATO", ông Rasmussen nói.

Ông nhấn mạnh vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO không thể tiếp tục bị trì hoãn vào năm sau.

Cựu Tổng thư ký NATO lập luận rằng, bằng việc loại trừ các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, nguy cơ xung đột Nga - NATO sẽ giảm bớt.

"Độ tin cậy tuyệt đối của Điều 5 (Hiến chương NATO) sẽ ngăn cản Nga tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Ukraine khi Ukraine đã trở thành thành viên NATO, từ đó Ukraine có thể đưa thêm lực lượng ra tiền tuyến", ông Rasmussen nói thêm.

Điều 5 trong Hiến chương NATO nêu rõ, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự gồm 30 thành viên do Mỹ dẫn dắt. 

"Để làm cho Điều 5 trở nên đáng tin cậy, cần phải gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga rằng bất kỳ hành vi vi phạm lãnh thổ nào của NATO sẽ bị đáp trả. Ông cho biết ở một khía cạnh nào đó, đề xuất này tương tự việc áp đặt vùng cấm bay đối với Nga để nước này không thể bay qua lãnh thổ Ukraine hoặc phóng tên lửa vào các thị trấn của Ukraine", ông Rasmussen lập luận.

Trước đó, Stian Jenssen, Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO, hồi tháng 8 đề xuất một giải pháp cho Ukraine là "từ bỏ một phần lãnh thổ để được kết nạp vào NATO".

Phát ngôn này ngay lập tức đã vấp phải phản ứng gay gắt của phía Ukraine. Kiev nói rằng bất cứ ý tưởng nào về việc Ukraine từ bỏ một phần lãnh thổ để được kết nạp vào NATO là "không thể chấp nhận được".

Giới chức NATO sau đó lên tiếng khẳng định liên minh ủng hộ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Ukraine và cam kết tiếp tục hỗ trợ Kiev để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành luật sáp nhập 4 vùng của Ukraine vào lãnh thổ Nga gồm Lugansk, Donetsk, Kherson, Zaporizhia. Năm 2014, Nga cũng tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Theo Tass, Guardian