1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine kháng cự trước "tối hậu thư" đầu hàng của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng Ukraine dường như không sẵn sàng chấp nhận tối hậu thư đầu hàng lực lượng Nga ở thành phố chiến lược miền Đông.

Ukraine kháng cự trước tối hậu thư đầu hàng của Nga - 1

Lính Ukraine trên xe tăng ở Donetsk, Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo Bloomberg, tại mặt trận miền Đông, quân đội Nga đang áp đảo lực lượng Ukraine về hỏa lực. Giới chức Ukraine thừa nhận lực lượng vũ trang nước này mất khoảng 100-200 binh sĩ mỗi ngày, trong khi Nga đang dần kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ ở cả hai thành phố chiến lược Severodonetsk and Lysychansk.

Lysychansk hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, trong khi Severodonetsk trở thành điểm nóng giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine trong những tuần gần đây. Nga dồn binh sĩ và hỏa lực nhằm kiểm soát Severodonetsk, tạo bàn đạp để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Nếu Nga kiểm soát cả hai thành phố trên, đặc biệt là Lysychansk, Moscow sẽ kiểm soát toàn bộ tỉnh Lugansk. Khi đó, Nga sẽ đạt được một trong những mục tiêu mà nước này đề ra từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đà tiến công của Nga hiện vẫn còn chậm và hầu như chỉ giới hạn ở Lugansk.

"Nga có thể cần ít nhất 2-3 tháng nữa để kiểm soát các thành phố lớn ở Donbass, chẳng hạn Slovyansk và Kramatorsk. Khi đó, Nga sẽ đạt được năng lực của mình và thúc đẩy một thỏa thuận trên cơ sở đó", Indrek Kannik, Giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Estonia, nhận định.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhnyi hôm 12/6 nhận định Nga hiện có ưu thế gấp 10 lần Ukraine về pháo binh, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết cuộc chiến giành Severodonetsk sẽ quyết định số phận của Donbass.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/6 kêu gọi các binh sĩ Ukraine bên trong nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk hạ vũ khí và đầu hàng. Khi chiến sự ngày càng leo thang ở thành phố Severodonetsk, hầm tránh bom ở nhà máy hóa chất Azot đã trở thành nơi trú ẩn cho hàng trăm dân thường và quân nhân Ukraine. 

Ukraine kháng cự trước tối hậu thư đầu hàng của Nga - 2

Khói bốc lên ở nhà máy Azot, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tình hình ở Severodonetsk gợi nhớ đến giao tranh ở Mariupol, thành phố cảng chiến lược của Ukraine "thất thủ" sau 82 ngày bị lực lượng Nga tấn công, bao vây.  Nhà máy luyện kim Azovstal, nơi có hơn 2.400 binh sĩ Ukraine đã hạ vũ khí, đầu hàng lực lượng Nga, được coi là thành trì cuối cùng của Ukraine ở Mariupol. 

Mặc dù tình hình ở nhà máy Azot cũng có những điểm tương đồng, nhưng diện tích nhỏ hơn Azovstal và không có đường hầm. Ngoài ra, Azot có chứa các hóa chất dễ nổ có thể gây độc nếu trúng đạn pháo.

Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, tuyên bố dân thường ở nhà máy Azot sẽ được đưa ra ngoài thông qua một hành lang nhân đạo. Phía Nga cáo buộc lực lượng Ukraine dùng dân thường bên trong nhà máy Azot như "lá chắn sống". 

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng Ukraine sẽ chấp thuận "tối hậu thư" của Nga ở Severodonetsk.

"Tình hình đang trở nên khó khăn hơn, nhưng quân đội của chúng tôi vẫn ngăn chặn đối phương từ 3 hướng cùng một lúc", tỉnh trưởng Lugansk Serhiy Gaidai cho biết.

"Họ đang bảo vệ Severodonetsk và không để đối phương tiến đến Lysychansk", ông Gaidai nói. Tuy nhiên, ông Gaidai thừa nhận lực lượng Nga đang tiến rất gần và nhiều công trình đã bị phá hủy.

Quân đội Ukraine tuyên bố, lực lượng nước này vẫn đang đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga ở Severodonetsk. Tuy nhiên, sau khi cả 3 cây cầu chính ở Severodonetsk đều bị phá hủy, lực lượng Ukraine có nguy cơ bị bao vây.

Theo Bloomberg, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm