1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine hồi sinh máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị chiến sự phá hủy

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau khi máy bay An-225 Mriya của Ukraine bị phá hủy hồi đầu năm trong chiến sự với Nga, Kiev bắt đầu sản xuất phiên bản mới của phi cơ vận tải lớn nhất thế giới.

Ukraine hồi sinh máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị chiến sự phá hủy - 1

Bức ảnh chụp hồi tháng 3 cho thấy chiếc An-225 bị phá hủy ở sân bay Hostomel (Ảnh: Reuters).

Hãng sản xuất máy bay nhà nước Ukraine Antonov cho biết, họ đang bắt đầu xây dựng phiên bản mới của chiếc máy bay vận tải An-225 Mriya.

"Quá trình tái thiết chiếc máy bay đã bắt đầu", thông báo cho hay.

Trước đó, truyền thông Ukraine cho biết, Antonov đã âm thầm khởi động dự án chế tạo phiên bản mới của An-225 sau khi chiếc máy bay này bị phá hủy hồi đầu năm ở sân bay Hostomel, gần Kiev.

Sân bay Hostomel là một trong những nơi đầu tiên Nga giành được quyền kiểm soát sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự hôm 24/2. Sau hơn một tháng, Nga đã quyết định rút quân khỏi khu vực này, sau khi tuyên bố sẽ tập trung chiến dịch đặc biệt nhằm vào khu vực Donbass, ở Đông Ukraine.

Khi quân nhân Ukraine trở lại tiếp quản Hostomel, hình ảnh chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới bị hỏng nghiêm trọng đã xuất hiện trên truyền thông.

An-225 là máy bay vận tải lớn nhất thế giới. Theo Washington Post, vào năm 2019, nó cũng được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là máy bay có trọng tải lớn nhất thế giới khi nâng được một máy phát điện nặng 187,6 tấn. Nó còn có tên gọi khác là Mriya (Giấc mơ), nặng 705 tấn và có sải cánh 88m.

Antonov An-225 được chế tạo từ thời Liên Xô. Được trang bị 6 động cơ phản lực với sải cánh dài gần bằng một sân bóng đá, An-225 Mriya có thể vận chuyển hàng hóa với tải trọng lên tới 250 tấn, lớn hơn bất kì loại máy bay nào. Nó hiếm khi cất cánh do chi phí vận hành tốn kém. Ước tính, mỗi giờ bay của An-225 tốn hơn 20 tấn nhiên liệu, tương đương với 6.700 USD.

Hãng Antonov ban đầu định chế tạo 2 chiếc Mriya, nhưng do thiếu vốn, nên họ phải đình trệ việc dựng chiếc thứ 2 vào năm 1994. Phiên bản này đã hoàn thiện một phần nhưng đã bị "đắp chiếu" gần 30 năm.

Theo các chuyên gia, Ukraine hiện có khoảng 30% các bộ phận và linh kiện có thể được sử dụng để chế tạo chiếc máy bay phiên bản mới. Theo ước tính ban đầu, chi phí đóng máy bay phiên bản mới có thể vào khoảng 500 triệu euro, nhưng con số chính xác vẫn chưa thể kết luận.

Theo Ukrainska Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm