1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine đủ sức cầm cự bao lâu nếu Mỹ dừng viện trợ quân sự?

Thành Đạt

(Dân trí) - Một số quan chức phương Tây cảnh báo Ukraine "chắc chắn thất bại" trước Nga nếu Mỹ không viện trợ thêm cho Kiev.

Ukraine đủ sức cầm cự bao lâu nếu Mỹ dừng viện trợ quân sự? - 1

Quân nhân Ukraine nghỉ ngơi sau một cuộc giao tranh gần thành phố tiền tuyến Bakhmut ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu nói với CNN rằng, khi gói viện trợ cho Ukraine tiếp tục bị đình trệ tại quốc hội Mỹ, Washington và các đồng minh đang đánh giá tác động có thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine cũng như nguy cơ lâu dài về khả năng Kiev thua trận trước Moscow.

"Không có gì đảm bảo thành công với chúng tôi, nhưng họ (Ukraine) chắc chắn sẽ thất bại nếu không có chúng tôi", một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết.

Mối quan tâm gần nhất là tác động của việc viện trợ quân sự đối với chiến dịch phản công đang diễn ra của Ukraine ở phía đông và phía nam, nơi các lực lượng Ukraine phải vật lộn để đạt được bước tiến đáng kể ngay cả khi vẫn còn sự hỗ trợ của Mỹ.

Nhìn rộng hơn, các quan chức phương Tây lo ngại việc Mỹ dừng hoặc trì hoãn viện trợ thêm cho Ukraine còn ảnh hưởng đến nguồn viện trợ từ các đồng minh cho Kiev.

Ukraine hôm 15/12 lại hứng chịu một "đòn giáng" khác khi Hungary chặn thêm viện trợ của Liên minh châu Âu (EU), mặc dù các cuộc đàm phán về vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục vào tháng 1. Thông tin này đã khoét sâu những thách thức mà Kiev phải đối mặt và khiến nhiều người lo ngại rằng, nếu Mỹ không tiếp tục viện trợ, các quốc gia châu Âu sẽ hành động theo Mỹ.

Giờ đây, các cơ quan tình báo phương Tây đang tính toán xem Ukraine có thể cầm cự được bao lâu nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ và NATO. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ ước tính Ukraine có thể cầm cự được vài tháng, trong đó kịch bản xấu nhất là sẽ có một bước thụt lùi đáng kể hoặc thậm chí là thất bại của Ukraine vào mùa hè.

Theo giới chức phương Tây, chiến thắng của Nga sẽ không chỉ là một tin bất lợi đối với Ukraine mà còn là thảm họa đối với an ninh châu Âu nói chung và là một đòn giáng mạnh vào Mỹ.

Khi được hỏi về việc viện trợ của Mỹ tiếp tục bị trì hoãn, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng: "Chúng ta không thể nói về sự mệt mỏi của chiến tranh vào lúc này, vì nếu chúng ta làm vậy và nhượng bộ, Nga sẽ thắng. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều xung đột hơn, nguồn cung cấp lương thực khan hiếm hơn, và tất cả những lo ngại khác đi kèm. Đó là lý do chúng ta phải nỗ lực ngay từ bây giờ".

Các quan chức Mỹ và Ukraine nói với CNN rằng, lực lượng Ukraine đã triển khai đạn dược, trong khi lực lượng Nga bắn trả với tỷ lệ lớn gấp 5-7 lần so với khả năng của lực lượng Ukraine. Một quan chức quân sự cấp cao của Ukraine cho biết, các chỉ huy Ukraine tin rằng tác động lên hỏa lực gây ra thêm thương vong cho Ukraine.

Nếu không có viện trợ bổ sung của Mỹ, các quan chức phương Tây nhận định Ukraine trước tiên sẽ cạn kiệt tên lửa tầm xa, sau đó là tên lửa phòng không, tiếp theo là đạn pháo và tên lửa tầm ngắn như tên lửa chống tăng vác vai Javelin và tên lửa phòng không Stinger.

Mỗi loại đạn dược đều rất quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Ukraine. Các tên lửa tầm xa, chẳng hạn tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp, được cho là yếu tố chính giúp Ukraine thành công trong việc đẩy lùi Hạm đội Biển Đen của Nga hàng trăm km nhằm mở ra hành lang vận chuyển ngũ cốc và các nguồn cung cấp khác.

Tên lửa phòng không đã chứng minh vai trò đặc biệt cần thiết trong những tuần gần đây, khi Nga mở rộng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự trong mùa đông này. Tình báo phương Tây cho rằng, việc Nga mở rộng các cuộc tấn công như vậy là nỗ lực của Moscow nhằm làm suy yếu ý chí chiến đấu của Ukraine.

Trong khi đó, tên lửa tầm ngắn hơn cho phép lực lượng Ukraine phòng thủ trước các xe tăng và máy bay Nga với số lượng lớn hơn rất nhiều so với lực lượng Kiev.

Những đánh giá về việc Ukraine thua trận sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với châu Âu đang gây ra những lo ngại sâu sắc đối với một số đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ.

Theo CNN