Ukraine đột kích nhà riêng của tài phiệt quyền lực bậc nhất
(Dân trí) - Nhà riêng của một số nhân vật quyền lực ở Ukraine, trong đó có tỷ phú Ihor Kolomoiskiy, bị đột kích trong bối cảnh Kiev đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trước thềm hội nghị thượng đỉnh với EU.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) ngày 1/2 cho biết, các đặc vụ của họ đã tiến hành đột kích nhà riêng của nhân vật có liên quan đến vụ án gian lận trị giá 1 tỷ USD tại công ty dầu mỏ Ukrtatnafta và nhà máy lọc dầu Ukrnafta.
Thông cáo của SBU không nêu đích danh nhà tài phiệt Ihor Kolomoiskiy mà chỉ đăng hình ảnh một người đàn ông được làm nhòe mặt. Tuy nhiên, các bức ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy ông Kolomoiskiy mặc bộ đồ ở nhà và đang quan sát lực lượng chức năng khám xét nhà riêng.
Ông Kolomoiskiy là một trong những tài phiệt có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Ukraine và từng là đồng minh của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông đã ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tranh cử của ông Zelensky năm 2019. Tuy nhiên, sau khi tài phiệt này bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ năm 2021 với các cáo buộc liên quan đến gian lận ngân hàng quy mô lớn, Tổng thống Zelensky đã tước quốc tịch của ông Kolomoiskiy vào năm 2022.
Tỷ phú Kolomoiskiy từ chối đưa ra bình luận, nhưng trước đây vị tỷ phú này đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Ông David Arakhamia, lãnh đạo Đảng Người phục vụ nhân dân (SP) ở Ukraine, xác nhận nhà của tỷ phú Ihor Kolomoiskiy cũng như nhà của cựu Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov đã bị khám xét, song không nêu rõ lý do.
Ông Avakov làm Bộ trưởng Nội vụ Ukraine từ năm 2014 đến 2021. Ông này đang bị điều tra về nghi vấn tham nhũng liên quan đến vụ mua máy bay trực thăng Airbus. Một trực thăng Airbus của Ukraine rơi hôm 18/1 khiến 14 người tử vong, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Denys Monastyrskyi và một số quan chức cấp cao của cơ quan này.
Ngoài hai cuộc đột kích trên, lực lượng chức năng Ukraine cũng tiến hành lục soát Văn phòng Thuế.
Các vụ đột kích diễn ra chỉ vài ngày trước khi Ukraine tổ chức hội nghị thượng đỉnh với EU vào 3/2 trong bối cảnh nước này nỗ lực để được gia nhập liên minh càng sớm càng tốt. Để được kết nạp, Ukraine phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mà Eu đưa ra như giải quyết vấn nạn tham nhũng, hạn chế ảnh hưởng của giới tài phiệt, củng cố quyền lợi của người thiểu số.
Ngoài ra, việc phương Tây rót viện trợ tài chính và quân sự tạo ra áp lực mới đối với Zelensky trong việc chứng minh chính phủ của ông có thể làm trong sạch Ukraine.
Tổng thống Zelensky hôm qua tuyên bố sẽ tiếp tục mạnh tay cải tổ bộ máy quan chức cấp cao. "Các quyết định sẽ được đưa ra. Những người trong hệ thống không đáp ứng những yêu cầu chính từ nhà nước và xã hội không được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ", ông nói.
Tuần trước, trong đợt cải tổ lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra, ông đã cách chức hơn 10 lãnh đạo cấp cao sau hàng loạt vụ bê bối, cáo buộc tham nhũng.