Ukraine có tạo ra bước ngoặt sau khi Mỹ "cởi trói" tên lửa tầm bắn 300km?
(Dân trí) - Chuyên gia nhận định nếu thông tin Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tầm bắn 300km tấn công lãnh thổ Nga là sự thật, thì đây vẫn là động thái khó có thể làm xoay chuyển tình thế.
Ngày 17/11, truyền thông Mỹ nói rằng nước này dường như đã cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tầm bắn 300km tấn công Nga, điều mà Nhà Trắng chưa lên tiếng bình luận.
Tuy nhiên, Kyiv Post dẫn lời giới quan sát cho rằng, kể cả điều trên có là sự thật, nó cũng khó có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Tác động lớn nhất của điều này sẽ là có thể làm giảm phần nào khả năng của Nga khi ném bom các mục tiêu của Ukraine.
Theo báo trên, Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) rất có thể sẽ sử dụng các đợt tên lửa ATACMS mới để tấn công vào máy bay quân sự, căn cứ không quân và hệ thống phòng không của Nga.
ATACMS là tên lửa đạn đạo bay theo quỹ đạo parabol với tốc độ cao, có thể mang theo đầu đạn nặng gần nửa tấn và có sai số hồng tâm chỉ vài mét. Nga tuyên bố hệ thống phòng không của họ có thể chống lại được dòng tên lửa này, nhưng Ukraine trước đó từng tuyên bố đã dùng ATACMS để phá hủy các lá chắn thép của Nga.
Tuy nhiên, vấn đề lớn với ATACMS chính là Ukraine chỉ có một số lượng hạn chế số tên lửa này. Mỹ, quốc gia sản xuất ra tên lửa, cũng có một lượng không quá lớn trong kho và Washington cũng cần sử dụng chúng để đảm bảo an ninh.
Theo thống kê của Kyiv Post, Ukraine dường như đã nhận chưa tới 50 quả ATACMS các phiên bản từ tầm bay 150-300km trong hơn 1 năm qua. Chưa rõ số lượng ATACMS đã bắn ra, tuy nhiên điều đó có nghĩa là số lượng tên lửa của Ukraine dường như thấp hơn số lượng mục tiêu của Nga trong tầm tấn công 300km của vũ khí.
Điều đó cũng có nghĩa là nếu Ukraine muốn làm suy giảm năng lực tác chiến của Nga ở phía bên kia tiền tuyến, thì đó cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Mặt khác, từ giữa năm, phương Tây và Ukraine nói rằng Nga đã đưa tới 90% số máy bay quân sự ra khỏi tầm tấn công của ATACMS, vì vậy hiệu quả thực sự của những tên lửa này trên thực địa vẫn là dấu hỏi.
Chuyên gia John Hardie từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định: "Mỹ đã bỏ lỡ thời điểm mà ATACMS có thể phát huy tác dụng tối đa. Sẽ hiệu quả hơn nếu Mỹ có động thái như vậy trong khi Nga vẫn đang bố trí các máy bay quân sự trong tầm bắn của ATACMS".
John Herbst, giám đốc cấp cao của Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết sự chậm trễ này đã làm tổn hại đến cơ hội của Kiev trên chiến trường.
"Bây giờ chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, vì vị thế của Nga đang mạnh hơn. Tôi coi ATACMS là một bước đi tích cực. Nó sẽ khiến Nga khó giành lại Kursk hơn và khó đạt được tiến triển hơn nữa ở miền Đông Ukraine, nhưng nó sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi".
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng cho rằng động thái này quá muộn.
Những ý kiến khác cho rằng, động thái tiên phong của Mỹ có thể thúc đẩy các nước phương Tây khác có quyết định tương tự. Tuy nhiên, câu hỏi về số lượng vẫn chưa thể được trả lời.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết tên lửa tầm xa của phương Tây có "nguồn cung hạn chế".
"Chỉ có một số ít khả năng mà các quốc gia khác nhau có thể sản xuất chúng. Chúng cực kỳ tốn kém", bà thừa nhận.
Cả Anh và Pháp đều có tên lửa tầm xa nhưng dường như đều đối mặt với vấn đề số lượng giới hạn. Họ cần ưu tiên các vũ khí để bảo vệ an ninh. Trong khi đó, Đức vẫn có quan điểm rằng tên lửa tầm xa của họ khó làm thay đổi cục diện và khiến Berlin có nguy cơ vướng vào xung đột.