1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine châm ngòi cho cuộc đối đầu mới với Nga

Moscow và Kiev không còn trên cùng “một chiến tuyến” kể từ khi chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko lên nắm quyền ở Ukraine sau cuộc “cách mạng đường phố” vào đầu năm 2014. Quan hệ giữa hai nước tiếp tục rơi vào tình trạng đối đầu khi Nga sáp nhập bán đảo Cremia vào tháng 3 cùng năm.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Trong 3 năm qua, chính quyền Kiev thường xuyên chỉ trích quyết định này của Moscow, cũng như cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, đẩy nước này rơi vào tình trạng “nồi da nấu thịt” kéo dài trong suốt hơn hai năm qua cướp đi sinh mạng của gần 9.500 người.

Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian, không có bằng chứng xác thực nào về sự can dự của Nga được chính quyền Kiev cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn ở phía Đông Nam Ukraine, đưa ra.

Trong khi đó, Moscow phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời tuyên bố rằng Nga không liên quan đến cuộc xung đột ở Donbass, và mong muốn của Nga là Ukraine sớm vượt qua khủng hoảng.

Ukraine muốn tước quyền phủ quyết của Nga ở Hội đồng bảo an

Tại phiên họp của Liên Hợp Quốc diễn ra vào hôm qua 22/2, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin bất ngờ đưa ra lời kêu gọi về “một cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc” với lý do “Nga lạm dụng quyền phủ quyết”.

Hãng tin Unian của Ukraine dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine cho biết: “Hội đồng Bảo an phải có khả năng ứng phó hiệu quả với ‘những xung đột đẫm máu’, bất chấp sự hiện diện có thể có của các bên xung đột quanh bàn họp với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Ngày 22/2, tại thủ đô Kiev của Ukraine, khoảng 5.000 người đã tham gia cuộc tuần hành tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong sự kiện Maidan hồi tháng 2/2014. Thành phần tham gia chủ yếu là thành viên các đảng theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Khu vực trung tâm Kiev đã phải đóng cửa và được tăng cường bảo vệ. Tất cả các ngả đường dẫn đến trụ sở Văn phòng Tổng thống đều có hàng rào của Cảnh sát và Cảnh vệ quốc gia.

Ngoại trưởng Klimkin cũng gọi việc Nga là thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an là “vấn đề cơ bản”, đồng thời cáo buộc Moscow “kích động các cuộc xung đột ở châu Âu”.

Theo Ngoại trưởng Ukraine, trong những thập kỷ gần đây châu Âu đã phải đối mặt với một số xung đột, đa phần vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.

Phát biểu mạnh mẽ của Ngoại trưởng Klimkin được đưa ra trong cuộc thảo luận về việc cải tổ của Hội đồng Bảo an.

Trước đó, đại diện thường trực của Nga là cố đại sứ Vitaly Churkin cũng cho biết Nga không chấp nhận bất kỳ ý tưởng nào xâm phạm đến quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực là Nga, Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp.

Washington và Bắc Kinh có cùng một quan điểm với Nga, trong khi London và Paris lại ủng hộ phương án tự nguyện từ bỏ quyền phủ quyết trong trường hợp khẩn cấp để ngăn chặn việc “phạm tội” theo số đông.

Tổng thống Ukraine cảnh báo chiến tranh toàn diện

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng ngày một lần dùng cụm từ “mối đe dọa đến từ Nga”, đồng thời tiết lộ về số tiền dành cho việc phát triển và mua sắm vũ khí mới trong năm 2017.

“Quân đội Nga ở phía Đông Nam Ukraine, theo quan điểm ​​của tôi, lực lượng này có thể phát động một cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine hoặc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ biên giới bất cứ lúc nào”, Tổng thống Poroshenko phát biểu tại một cuộc họp của giới chức quân sự cấp cao Ukraine.

Tổng thống Ukraine cho biết, năm 2017 ngân sách nước này dành khoảng 9 tỷ grivna (khoảng 333 triệu USD) cho việc phát triển và mua sắm vũ khí mới.

Tuần trước, Tổng thống Poroshenko cũng kêu gọi châu Âu áp lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga sau nghị định về việc công nhận hộ chiếu của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” tự xưng.

Thư ký báo chí của nhà lãnh đạo Ukraine, ông Svyatoslav Tsegolko cho biết: “Tổng thống Poroshenko kêu gọi tăng cường lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga vì sự công nhận hộ chiếu của các nước cộng hòa tự xưng".

Nga khuyên Ukraine “sắp đặt lại trật tự quốc gia”

Trong một tuyên bố chính thức cuối ngày 22/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho rằng: Ukraine nên sắp đặt trật tự ở chính nước mình trước khi lên tiếng đề xuất việc tước quyền phủ quyết của Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bình luận ý kiến của ông Klimkin, bà Zakharova nói "chỉ muốn khuyên ông ấy một điều: trước hết hãy sắp đặt trật tự trong nhà mình, để mọi việc ổn thỏa, rồi sau mới bắt tay vào cải thiện các cơ chế quốc tế".

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, “các cơ chế quốc tế vẫn làm việc tốt trong bối cảnh không cần ông Klimkin".

“Ngoại trưởng Ukraine nên tập trung vào những vấn đề của nước mình. Khi ở đó sẽ giải quyết hết các vấn đề hiện đang buộc cộng đồng quốc tế phải đối phó, thì ý kiến ​​của ông ấy về những đề tài khác mới có thể được lắng nghe”, bà Zakharova nhấn mạnh.

15 thành viên Hội đồng Bảo an ngày 21/2 đã dành 1 phút tưởng niệm ông Churkin – người qua đời hôm 20/2. Họ cũng ban hành thông cáo báo chí nói về sự ra đi đột ngột của vị đại sứ Nga phục vụ lâu năm nhất tại hội đồng này.

Ukraine – giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 2 – đã chặn LHQ ra tuyên bố chính thức về cái chết của ông Churkin. Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin lập luận chỉ nên ban hành thông cáo báo chí, không cần thiết phải ra tuyên bố chính thức.

Ông Klimkin cho biết Kiev đã gửi lời chia buồn, đồng thời yêu cầu 15 thành viên Hội đồng Bảo an tưởng niệm ông Churkin. Tuy nhiên, Ukraine là thành viên duy nhất không đưa ra những nhận xét chính thức về cố đại sứ Nga.

Theo Tùng Dương/Sputnik, RIA Novosti, Unian

Tiền Phong