1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine, Canada căng thẳng vì vụ trả tuabin khí đốt Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine đã triệu tập đại sứ của Canada để phản đối quyết định trả lại một tuabin nén khí cho Berlin để bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream 1, vốn dẫn nhiên liệu từ Nga đến Đức.

Ukraine, Canada căng thẳng vì vụ trả tuabin khí đốt Nga - 1

Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỷ m3 khí mỗi năm từ Nga đến Đức dưới biển Baltic (Ảnh: Reuters).

Phát biểu vào đêm muộn ngày 11/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng, việc trả lại tuabin đã sửa chữa để bảo trì đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc) là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, động thái của Canada là hành động vi phạm lệnh trừng phạt đối với Nga và cảnh báo việc này sẽ bị Moscow coi là "biểu hiện của sự yếu đuối".

"Bộ Ngoại giao Ukraine phải triệu tập đặc phái viên của Canada do một ngoại lệ tuyệt đối không thể chấp nhận được với cơ chế trừng phạt nhằm vào Nga", Tổng thống Zelensky tuyên bố trong bài phát biểu được đăng trên trang web của văn phòng Tổng thống.

Quyết định trả lại tuabin nén khí đã sửa chữa cho Đức, nhằm có thể giúp đảm bảo dòng năng lượng tiếp tục cho đến khi châu Âu có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã làm dấy lên sự giận dữ từ chính phủ Ukraine cũng như các nhóm vận động của Kiev ở Canada.

Các Bộ ngoại giao và năng lượng Ukraine cho biết quyết định này nhằm điều chỉnh các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Moscow "theo ý muốn của Nga", và rằng, động thái này "sẽ thúc đẩy Nga hành động mạnh mẽ hơn nữa" ở Ukraine.

Hôm 11/7, nhóm vận động Quốc hội Canada của Ukraine cũng kêu gọi ủy ban quốc hội triệu tập các phiên điều trần về quyết định của chính phủ, nói rằng động thái này "sẽ thúc đẩy Nga hành động quyết liệt hơn nữa" ở Ukraine.

Nhưng chính phủ Canada vẫn bảo vệ quyết định của mình, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ 9/7 rằng, họ đã cấp "giấy phép có thời hạn và có thể thu hồi" để trả lại các tuabin mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Nga.

Theo đó, công ty Siemens ở Canada trả tuabin nén khí đã sửa chữa cho Siemens Energy của Đức, thay vì chuyển tới Nga như kế hoạch cũ. Tuabin này ban đầu được gửi tới Canada để sửa chữa, trước khi Ottawa quyết định giữ lại thiết bị như một phần lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt với Moscow.

Tháng trước, Nga nêu rõ chính việc Siemens Energy của Đức chậm trả lại tuabin đang bảo dưỡng tại Canada là nguyên nhân khiến dòng chảy khí đốt mà Moscow cung cấp cho Berlin giảm xuống 40% công suất qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1.

Ngoài giấy phép đặc biệt cho tuabin, Canada cho biết họ sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga bao gồm cả sản xuất công nghiệp. "Chúng tôi kiên định ủng hộ Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào kho bạc của Nga. Chúng tôi sẽ không ngừng gây áp lực lên chính quyền Nga", Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết hôm 9/7.

Mỹ cũng cho biết họ ủng hộ quyết định trả lại tuabin của Canada. "Trong ngắn hạn, tuabin sẽ cho phép Đức và các nước châu Âu khác bổ sung dự trữ khí đốt, tăng cường an ninh năng lượng và khả năng phục hồi của họ, đồng thời chống lại nỗ lực vũ khí hóa năng lượng của Nga", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong một tuyên bố hôm 11/7.

Hiện không rõ sẽ mất bao lâu để tuabin nén khí này được hoạt động trở lại.

Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv nói với đài truyền hình công cộng CBC của Canada rằng, Kiev Ukraine sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này với Ottawa trong những tuần tới.

"Chúng tôi đánh giá cao rất nhiều sự hỗ trợ mà chính phủ Canada đã cung cấp cho Ukraine trong các lĩnh vực khác nhau và chúng tôi vẫn hy vọng rằng quyết định này sẽ được thu hồi", ông Kovaliv cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Power &Politics của CBC.

Căng thẳng bùng lên sau khi Gazprom của Nga hôm 11/7 thông báo thông báo tạm ngừng cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để bảo trì thường niên tới ngày 21/7. Các công ty đối tác của Gazprom tại Italy và Áo cùng ngày cho biết tập đoàn năng lượng Nga giảm nguồn cung khí đốt cho họ do bảo trì đường ống Nord Stream 1. Nhưng Berlin ngày càng lo ngại rằng Moscow có thể không nối lại dòng khí như đã định.

Các nước châu Âu, vốn đang cố gắng cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng của Nga, nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga. Đường ống Nord Stream 1 vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic.

Theo Aljazeera