Thị trường khí đốt châu Âu dậy sóng khi Nga "siết" nguồn cung

Nhật Linh

(Dân trí) - Giá khí đốt tại châu Âu biến động khi Moscow siết chặt dòng khí đốt đến châu lục này, buộc các quốc gia tiêu thụ phải đối mặt với viễn cảnh giữ cho nền kinh tế hoạt động mà không có khí đốt Nga.

Giá các hợp đồng khí đốt giao tương lai đã tăng tới 24% sau thông tin Moscow cắt giảm một nửa nguồn cung khí đốt cho Đức, Italy thông qua đường ống Nord Stream 1.

Các công ty trên khắp châu Âu như Eni SpA, Engie SA và Uniper SE đều cho biết họ đang nhận được ít nhiên liệu hơn. Đức cáo buộc Nga đẩy thị trường khí đốt châu lục này rơi vào bất ổn khi hạn chế nguồn cung qua đường ống Nord Stream, đồng thời cho rằng tuyên bố của Gazprom không phải vì vấn đề kỹ thuật mà là vì "quyết định chính trị".

Thị trường khí đốt châu Âu dậy sóng khi Nga siết nguồn cung - 1

Giá các hợp đồng khí đốt giao tương lai đã tăng tới 24% sau thông tin Moscow cắt giảm một nửa nguồn cung khí đốt cho Đức, Italy thông qua đường ống Nord Stream 1 (Ảnh: TASS).

Lâu nay, châu Âu lo ngại Nga sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt bằng cách cắt giảm nguồn cung. Các cuộc khủng hoảng mới nhất này có thể giáng một đòn mạnh vào những ngành công nghiệp chủ chốt của khu vực này từ các công ty hóa chất đến các nhà sản xuất thép, vốn đang phải vật lộn với lạm phát leo thang và tăng trưởng thấp.

Động thái siết nguồn cung khí đốt của Moscow khiến các cơ quan quản lý năng lượng hàng đầu Đức phải khuyến cáo người tiêu dùng và các ngành công nghiệp giảm mức tiêu thụ nhằm làm đầy các kho dự trữ trước mùa sưởi ấm sắp tới. Việc phân bổ khí đốt đang có khả năng trở thành hiện thực và dễ dàng xảy ra nếu khí đốt qua đường ống Nord Stream bị "khóa van" hoàn toàn.

"Nếu các dòng chảy khí đốt vẫn như vậy thì việc lấp đầy các kho dự trữ sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn", ông Jonathan Stern, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford, nói. Ông cho biết thêm: "Nếu Nord Stream khóa van hoàn toàn, điều đó thậm chí còn khó khăn hơn, nhưng sẽ không có gì cấp bách cho đến mùa đông".

Giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu đã tăng lên gần 149 euro/MWh, mức cao nhất kể từ khi mức giá thiết lập kỷ lục vào đầu tháng 3. Các hợp đồng giao tương lai cũng tăng hơn 3,4% lên 124,4 euro/MWh.

Giá khí đốt cao hơn đồng nghĩa các công ty năng lượng sẽ phải bỏ thêm tiền mặt để làm tài sản thế chấp cho các hoạt động kinh doanh của họ. Trước đó, ngay sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, những doanh nghiệp này đã buộc phải vay hàng tỷ USD để trả cho cái gọi là ký quỹ. Và giờ thì điều đó có thể xảy ra một lần nữa.

"Ở mức giá leo thang này, mức ký quỹ sẽ rất cao", Nick Campbell, Giám đốc tại Inspired, nói và cho biết một số nhà giao dịch có thể muốn bán để tránh phải ký quỹ lớn vào cuối ngày.

Nga đã dần siết chặt thị trường năng lượng châu Âu, ngừng vận chuyển khí đốt cho người mua ở Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan vì những nước này từ chối yêu cầu thanh toán năng lượng bằng đồng rúp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Giờ đây, ngày cả những quốc gia tuân thủ yêu cầu này để giữ cho dòng khí đốt của Nga tiếp tục chảy cũng nằm trong diện bị cắt giảm.

Berlin đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch khẩn cấp 3 bước để đảm bảo nguồn cung và có thể buộc phải tiến xa hơn nếu bị cắt giảm khí đốt nhiều hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cho biết hiện họ có thể đảm bảo được khối lượng thay thế bù đắp cho lượng cắt giảm từ Nga.

Gazprom đã thông báo giảm lượng khí đốt tới châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 với lý do liên quan đến việc sửa chữa các tuabin do Siemens sản xuất. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến các thiết bị chủ chốt cho đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị tắc ở nước ngoài.

"Hiện không có giải pháp nào cho vấn đề này", Giám đốc điều hành của Gazprom Alexey Miller cho biết hôm 16/6.

Không rõ liệu khi nào đường ống này sẽ hoạt động hết công suất trở lại, song các đường nối cũng đã được lên kế hoạch bảo trì vào tháng tới, khiến nhiều người suy đoán việc ngừng hoạt động sẽ kéo dài. Tuy nhiên, S&P Global Commodity Insights cho rằng về cơ bản, Nord Stream sẽ hoạt động đầy đủ trở lại vào tháng 8.

Theo Bloomberg, Gazprom vẫn có thể sử dụng công suất dự phòng trên các đường ống đi qua Ukraine để cung cấp cho các khách hàng châu Âu, nhưng gã khổng lồ khí đốt Nga đã không chọn giải pháp đó. Ông Miller cho biết công ty đang hưởng lợi từ việc giá khí đốt tăng vọt ở châu Âu ngay cả khi các lô hàng đến thị trường lớn nhất của họ đang thấp hơn.

Tại phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, CEO của Gazprom đã nhấn mạnh Nga sẽ chơi theo luật riêng của mình. "Sản phẩm của chúng tôi, luật của chúng tôi. Chúng tôi không chơi theo luật mà mình không tạo ra".

Theo Bloomberg, CNBC