Ukraine cầm cự bao lâu trong cuộc chiến với Nga nếu Mỹ dừng viện trợ?
(Dân trí) - Chuyên gia Mỹ cảnh báo Ukraine có thể sẽ thất bại trong cuộc chiến với Nga nếu không được nhận thêm sự hỗ trợ từ Washington.
"Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J. D. Vance từng nói rằng, ông không quan tâm đến những gì xảy ra với Ukraine. Chúng ta sẽ sớm biết liệu người dân Mỹ có chia sẻ sự thờ ơ này với ông ấy hay không, vì nếu không sớm có một khoản viện trợ mới quy mô lớn từ Mỹ, Ukraine có khả năng sẽ thua trong cuộc chiến trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới", Robert Kagan, nhà phân tích chính trị người Mỹ và là chồng của cựu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland, dự đoán trong một bài viết cho tạp chí The Atlantic.
Theo chuyên gia Mỹ, nếu Ukraine sụp đổ, đó cũng là sự thất bại của Mỹ và tổng thống nước này.
Chuyên gia Kagan cảnh báo nguy cơ Ukraine đối mặt với "một thất bại hoàn toàn, mất chủ quyền". Theo ông, điều này đặt ra một vấn đề cấp bách đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
"Ông ấy đã hứa sẽ giải quyết chiến tranh nhanh chóng khi nhậm chức, nhưng giờ đây ông ấy phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt", chuyên gia Mỹ nhận định.
"Ông Trump hiện phải lựa chọn giữa việc chấp nhận thất bại chiến lược trên trường quốc tế và ngay lập tức tăng gấp đôi sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine khi vẫn còn thời gian. Lựa chọn mà ông đưa ra trong vài tuần tới sẽ quyết định không chỉ số phận của Ukraine mà còn cả sự thành công trong nhiệm kỳ tổng thống của ông", chuyên gia Kagan nói.
Trong cuộc họp báo ngày 7/1, ông Trump cho rằng chính việc Tổng thống Joe Biden ủng hộ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine nên đã để xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện với Nga.
Ông Trump cho biết ông thông cảm với lập trường của Moscow rằng Ukraine không nên là một phần của NATO, đồng thời tỏ ra lấy làm tiếc khi chưa gặp được Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi nhậm chức.
Chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch công bố một gói viện trợ vũ khí quy mô lớn cuối cùng cho Ukraine trong chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào ngày 9/1.
Ông Austin sẽ gặp đại diện của khoảng 50 quốc gia đã hỗ trợ Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt từ năm 2022.
Mặc dù các quan chức không nêu rõ giá trị chính xác của khoản viện trợ, nhưng họ mô tả là "đáng kể". Gói viện trợ sẽ không bao gồm khoảng 4 tỷ USD còn lại trong khoản tài trợ được quốc hội phê duyệt cho Ukraine.
Chuyến đi của ông Austin tới Căn cứ Không quân Ramstein sẽ là cuộc họp cuối cùng của ông với liên minh mà ông thành lập để ứng phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine từ tháng 2/2022.
Trong suốt cuộc chiến, các quốc gia này đã đóng góp hơn 126 tỷ USD viện trợ quân sự, bao gồm đạn dược, máy bay chiến đấu tiên tiến, hệ thống phòng không, thiết bị chống UAV và xe tăng. Mỹ đã cung cấp 66 tỷ USD trong tổng số đó.
Gói viện trợ sắp tới, dự kiến được công bố vào ngày 9/1, sẽ lấy từ các kho dự trữ hiện có với mục đích chuyển giao hầu hết các vũ khí đã cam kết cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức, một quan chức cho biết.