Ukraine bị nghi phóng tên lửa tấn công giàn khoan dầu của Nga gần Crimea
(Dân trí) - Lãnh đạo chính quyền Crimea do Nga kiểm soát cáo buộc Ukraine phóng tên lửa tấn công giàn khoan dầu ở ngoài khơi bán đảo.
Người đứng đầu chính quyền Crimea, ông Sergey Aksyonov, cho biết, các cuộc tấn công nghi do Ukraine thực hiện đã nhắm vào các giàn khoan ở ngoài khơi bờ biển Crimea trên Biển Đen vào sáng 20/6.
Ông Aksyonov nói rằng, các giàn khoan do 12 nhân viên vận hành. 5 người trong số họ đã được giải cứu, trong đó có 3 người bị thương.
Ông Aksyonov không tiết lộ vị trí chính xác của các giàn khoan, nhưng xác nhận chúng thuộc sở hữu của Chernomorneftegaz - công ty phát triển các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi.
Theo lãnh đạo chính quyền Crimea, 3 cuộc tấn công tên lửa đã bắn trúng 3 giàn khoan riêng biệt. Ông Aksyonov cho biết có tổng cộng 109 người ở trong khu vực vào thời điểm xảy ra các vụ tấn công và việc sơ tán nhân viên đang được tiến hành.
"Tôi đang liên lạc với các đồng nghiệp của chúng tôi từ Bộ Quốc phòng và Tổng cục An ninh Nga, chúng tôi đang cố gắng cứu người", ông Aksyonov cho biết thêm.
Olga Kovipris, người đại diện cho Crimea tại thượng viện Nga, nói với hãng tin RIA Novosti rằng, cuộc tấn công nhắm vào các giàn khoan nằm cách cảng Odessa của Ukraine khoảng 71 km.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin, hàng chục tên lửa đã bắn trúng Đảo Rắn, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển Ukraine và nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong nhiều tháng. Nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko cho rằng, một số tên lửa đã bắn trúng các giàn khoan khí đốt, thay vì hòn đảo.
Quân đội Ukraine và Nga vẫn đang giao tranh khốc liệt tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine trong bối cảnh các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí tinh vi hơn cho Kiev.
Một số quan chức Ukraine cam kết không sử dụng vũ khí nước ngoài để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga nhưng không áp dụng đối với Crimea, nơi Kiev coi là một phần lãnh thổ của mình. Nga đã sáp nhập Crimea vào năm 2014, bất chấp phản đối của Ukraine.
Tuần trước, Thiếu tướng Ukraine Dmitry Marchenko tuyên bố cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga là "mục tiêu số một" của lực lượng Ukraine.
Cầu Crimea được Nga sử dụng gửi tiếp viện cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga bắt đầu xây cầu Crimea vào năm 2016, 2 năm sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Với chiều dài 19km, đây là cây cầu dài nhất châu Âu và có cả tuyến đường cho tàu và xe hơi.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/6 thông báo đã mở một hành lang trên bộ tới bán đảo Crimea, cho phép dân thường và hàng hóa di chuyển qua khu vực Đông Ukraine mà Moscow và lực lượng thân Nga đang kiểm soát.
Với ưu thế áp đảo về hỏa lực, Moscow hiện giành phần lớn quyền kiểm soát vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Giới quan sát cho rằng, với việc lập được hành lang trên bộ tới Crimea, Nga sẽ có lợi thế chiến lược về mặt hậu cần, tiếp tế trong chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov tuyên bố Ukraine sẽ giải phóng tất cả vùng lãnh thổ của nước này, bao gồm Crimea. Ông Reznikov cho biết Crimea "là một mục tiêu chiến lược đối với Ukraine vì đó là lãnh thổ của Ukraine", nhưng Ukraine "sẽ tiến từng bước".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố sẽ "giải phóng" Crimea và các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở Donbass. DPR và LPR đã được Nga công nhận là các quốc gia độc lập.