Úc triệu đại sứ Trung Quốc, phản đối vùng phòng không
(Dân trí) - Bộ ngoại giao Úc hôm nay 26/11 cho biết đã triệu đại sứ Trung Quốc tại nước này để phản đối thông báo của Bắc Kinh về việc thành lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tỏ ra bất chấp dư luận quốc tế.
Trong thông báo vừa được phát đi, Bộ trưởng ngoại giao Úc Julie Bishop khẳng định: “Việc tính toán thời điểm cũng như cách thức thông báo của Trung Quốc là không có lợi trong bối cảnh những căng thẳng hiện tại trong khu vực, và sẽ không đóng góp cho ổn định trong khu vực.
Úc đã bày tỏ sự phản đối rõ ràng đối với bất kỳ hành động có tính ép buộc hoặc đơn phương nào để thay đổi tình hình tại biển Hoa Đông”, ông Bishop tuyên bố.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có những động thái đáp trả đầy cương quyết trước những lên án từ Nhật, Mỹ.
Trong ngày hôm qua, 25/11, Bắc Kinh đã triệu đại sứ Nhật tới để phản ứng lại những phát ngôn của Tokyo về “vùng nhận diện phòng không” mới của Trung Quốc, vốn bao gồm các quần đảo được cả hai bên tuyên bố chủ quyền, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết.
“Các quan chức Bộ ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Nhật tại Trung Quốc để bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ và sự phản đối chính thức liên quan tới những sự cường điệu vô lí của Nhật trước việc Trung Quốc thiết lập một “vùng nhận diện phòng không”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Qin Gang khẳng định trong một buổi họp báo.
Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày hôm qua cũng tuyên bố đã bày tỏ sự phản đối tới các nhà ngoại giao Mỹ và Nhật, sau khi hai nước này chỉ trích vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc.
Đa số người Trung Quốc ủng hộ “vùng nhận diện phòng không”?
Theo hãng tin AFP, một khảo sát nhanh đối với 1100 người trưởng thành tại 7 thành phố lớn của Trung Quốc cho thấy đa số người dân nước này ủng họ hành động mới của Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp.
Khảo sát do tờ Thời báo hoàn cầu thực hiện cho thấy 85% người được hỏi tin rằng vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông, bao gồm các hòn đảo mà Nhật đang kiểm soát sẽ “bảo vệ an ninh không phận của Trung Quốc”.
Tờ báo thường có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa này khẳng định 53,6% người được hỏi tin rằng, việc thiết lập vùng phòng không nêu trên sẽ giúp thúc đẩy những tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
39,5% người được hỏi khác thì cảm nhận rằng vùng nhận diện phòng không sẽ “tạo ra một bối cảnh ổn định hơn với sự cân bằng về quyền lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.
Trong khi đó tờ báo này khẳng định chỉ có 4,3% người được hỏi cảm thấy vùng phòng không sẽ “có hại cho Trung Quốc bởi Nhật Bản có thể lấy đó làm cớ để thổi phồng sự quyết liệt về quân sự của Trung Quốc”.
Khảo sát thậm chí còn đề nghị người được hỏi cho ý kiến về phản ứng khi “một máy bay nước ngoài xâm nhập phi pháp vào vùng phòng không”.
Gần 90% người được hỏi đề nghị quân đội cử máy bay để “ngăn chặn và xua đuổi”, trong khi 60% đồng ý với phương án nổ súng “sau khi cảnh báo không có tác dụng”.
Thanh Tùng
Tổng hợp