1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm 7 năm liên tiếp, xuống thấp kỷ lục

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhật Bản ghi nhận số trẻ em ra đời trong năm ngoái thấp kỷ lục, nối tiếp chuỗi giảm 7 năm liền, gây ra thách thức lớn cho quốc gia Đông Á.

Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản giảm 7 năm liên tiếp, xuống thấp kỷ lục - 1

Nhật Bản đang đối mặt cuộc khủng hoảng dân số khi số trẻ em ra đời liên tục giảm (Ảnh minh họa: Kyodo News).

Bloomberg dẫn thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản đưa tin, số trẻ sơ sinh ra đời ở nước này là 799.728 trong năm 2022, giảm 5,1% so với năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thống kê chỉ số này vào năm 1899.

Trong khi đó, số người chết ở Nhật Bản tăng 8,9% lên 1,58 triệu vào năm 2022. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số trẻ em ra đời bị giảm. Nó đặt ra thách thức lớn cho Nhật Bản khi nước này đang ghi nhận tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.

Số trẻ sơ sinh giảm đi có nghĩa là Nhật Bản sẽ có lực lượng lao động nhỏ hơn và ít người nộp thuế hơn để duy trì nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong những năm tới. Mặt khác, chi phí chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng đang làm cạn kiệt ngân sách quốc gia.

Ông Yoshihiko Isozaki, phó chánh văn phòng nội các, ngày 28/2 cho biết: "Chúng tôi nhận ra rằng tỷ lệ sinh giảm là một tình huống nghiêm trọng. Tôi hiểu rằng nhiều yếu tố khác nhau đan xen phức tạp, ngăn cản các cá nhân hiện thực hóa mong muốn kết hôn, sinh con và nuôi dạy con cái".

Chính phủ Nhật Bản đã cố gắng gia tăng lực lượng lao động bằng cách khuyến khích nhiều phụ nữ đi làm và chấp nhận một số người nhập cư. Nhật Bản cũng có các chính sách ưu tiên cho trẻ em và gia đình có trẻ em.

Ông Isozaki cho biết thêm, chính phủ sẽ đưa ra các chính sách về trẻ em và nuôi dưỡng trẻ em, đồng thời đưa ra khuôn khổ vào tháng 6 để tăng gấp đôi ngân sách được phân bổ cho các chính sách này. Chính phủ đã phân bổ 4.800 tỷ yên (35 tỷ USD) từ ngân sách tài khóa 2023 cho một cơ quan mới phụ trách chính sách trẻ em và gia đình.

Theo Bloomberg