Vũ khí "bom tấn" từ Mỹ giúp quân đội Ukraine bật tung sức mạnh
(Dân trí) - Vũ khí mua từ Mỹ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng vệ và phô diễn sức mạnh khi căng thẳng khu vực có xu hướng leo thang.
Ukraine đã mua 210 tên lửa chống tăng Javelin và 37 ống phóng từ Mỹ vào năm 2018 với giá khoảng 47 triệu USD. Cuối năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê duyệt bán lô vũ khí thứ 2 gồm 150 tên lửa và 10 ống phóng cho Ukraine.
Tuy nhiên, đi kèm với các hợp đồng trên là các điều kiện hạn chế về sử dụng, bao gồm quy định tên lửa Javelin phải được cất giữ ở miền tây Ukraine, cách xa các khu vực tiền tuyến xung đột ở miền đông.
Javelin là tên lửa vác vai sử dụng tia hồng ngoại dẫn đường để nhắm mục tiêu và phá hủy xe tăng của đối phương ở khoảng cách lên tới 5 km. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt bán vũ khí cho Ukraine sau khi người tiền nhiệm Barack Obama từ chối đề nghị này, do lo ngại việc viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev có thể khiêu khích Nga.
Wess Mitchell, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump phụ trách các vấn đề châu Âu và Á - Âu nhận định, Javelin và các vũ khí sát thương khác được bán cho Ukraine không phải với mục đích tấn công, mà nhằm ngăn chặn ý đồ xâm phạm lãnh thổ Ukraine.
Trong khi Washington kêu gọi Ukraine chỉ sử dụng tên lửa Javelin cho các mục đích phòng vệ và yêu cầu vũ khí này phải được cất giữ tại một cơ sở an toàn cách xa khu vực xung đột, giới chức Mỹ cho rằng không có giới hạn địa lý nào cho việc triển khai tên lửa trên thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng quân sự Ukraine có thể vận chuyển, phân phối và sử dụng tên lửa Javelin bất cứ lúc nào.
"Javelin là vũ khí phòng thủ mà Mỹ mong muốn Ukraine triển khai chúng một cách có trách nhiệm và có chiến lược khi cần thiết cho mục đích phòng vệ", người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Howard tuyên bố.
Nếu tên lửa Javelin được Ukraine di dời, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ được sử dụng. Hai nguồn tin tại Ukraine cho biết hiện vẫn chưa đến thời điểm để Kiev triển khai loại vũ khí này.
Theo nguồn tin trên, "lằn ranh đỏ" khiến Ukraine điều động tên lửa Javelin sẽ là khi xe tăng Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Một quan chức thân cận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hiện chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc di dời tên lửa Javelin được nêu ra ở cấp tổng thống và cũng chưa có quyết định về việc có triển khai vũ khí này hay không. Tổng thống Zelensky nóng lòng hạ nhiệt căng thẳng, do vậy ông có thể sẽ không có khuynh hướng chuyển các tên lửa này tới khu vực phía đông.
Theo Politico, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 2 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ năm 2014, trong đó có 2 lô tên lửa Javelin cùng các thiết bị quân sự khác. Ông Biden, người từng không thành công trong việc viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, gần đây đã phê duyệt khoản viện trợ sát thương trị giá 125 triệu USD nhằm giúp Ukraine bảo vệ biên giới, trong đó có 2 tàu tuần tra có vũ trang và hệ thống radar chống pháo.
Căng thẳng leo thang
Các quan chức cấp cao của Ukraine không cho rằng, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới Ukraine đồng nghĩa với việc Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc đổ bộ. Việc điều động binh sĩ được thực hiện công khai và diễn ra trong hơn 2 tuần qua cho thấy Nga có lẽ chỉ đang tìm cách gây sức ép với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tuy vậy, giới chức Ukraine vẫn lo ngại xung đột có thể leo thang mạnh mẽ. Ít nhất 7 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuối tháng trước trong bối cảnh bạo lực gia tăng ở khu vực Donbass - nơi các lực lượng quân sự Ukraine đang đối phó với các lực lượng ly khai từ năm 2014. Ukraine cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng ly khai tại nước này, song Moscow đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ.
Theo RT, Ngoại trưởng các nước G7, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu, ngày 12/4 đã ra tuyên bố, chỉ trích việc Nga điều quân tới sát biên giới Ukraine, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về động thái này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Nga đang điều động lực lượng lớn chưa từng có kể từ năm 2014 - thời điểm căng thẳng giữa Moscow và Kiev leo thang sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky đã có cuộc điện đàm đầu tiên trong tháng này giữa lúc căng thẳng leo thang. Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã "tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước các hành động của Nga ở Donbass và Crimea".
Phản bác cáo buộc của phương Tây về việc triển khai binh sĩ và khí tài tới sát biên giới Ukraine, Nga tuyên bố nước này chỉ điều động lực lượng khi cảm thấy phù hợp và vì mục đích tự vệ. Moscow cũng khẳng định việc triển khai lực lượng trong phạm vi lãnh thổ của Nga là hoàn toàn bình thường và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào.