1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tương lai Hy Lạp vẫn bất an

Các bộ trưởng tài chính thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã quyết định gia hạn thêm bốn tháng đối với gói cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 28/2 tới.

Với thỏa hiệp này, mối nguy về khả năng Hy Lạp vỡ nợ đã tạm lắng xuống, song vẫn còn nhiều nghi vấn về việc quốc gia này có nên ra khỏi Eurozone hay không?
 
Tương lai Hy Lạp vẫn bất an
Hàng nghìn người tuần hành tại thủ đô Athens bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương của Chính phủ mới chấm dứt chương trình "thắt lưng buộc bụng" (Ảnh: THX- TTXVN)

Nhật báo Công giáo La Croix đăng bài viết với tiêu đề "Hy Lạp nên ra khỏi Eurozone hay không?" với hai luồng ý kiến đối lập. Đầu tiên, La Croix tóm lược ý kiến của cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing trong đó vấn đề cơ bản là phải xem nền kinh tế Hy Lạp có thể hồi phục và thịnh vượng khi vẫn là thành viên Eurozone hay không. Do đó, khi đề xuất một kịch bản "Grexit", tức là Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone, cựu nguyên thủ Pháp đã chia sẻ quan điểm với những ai cho rằng "đồng euro chỉ phù hợp với nền kinh tế Đức chứ không phải cho Hy Lạp".

Về phía ủng hộ, La Croix trích giải thích của David Cayla, giảng viên - nhà nghiên cứu trường Đại học Angers như sau: "Hoặc là Eurozone phải bù đắp sự bất cân xứng cấu trúc bằng các giao dịch tài chính ồ ạt ngay trong lòng khối. Hoặc tốt hơn hết là Hy Lạp phải trở về với chính đồng nội tệ của mình". Vì như vậy, Athens sẽ lại làm chủ được chính sách tiền tệ của chính họ, tỷ giá hối đoái, đồng thời có thể định hướng nguồn vốn tích lũy trong những dự án tài trợ kinh tế quốc gia, trong khi các dòng vốn Hy Lạp đều được đặt ở chỗ khác".

Tuy vậy, nhà kinh tế học Jacques Maziers cảnh báo trước là Hy Lạp sẽ có một thời gian đầy khó khăn và đau đớn, như "phải thiết lập hệ thống kiểm soát dòng vốn. Hơn nữa, Hy Lạp chưa thể hòa nhập ngay được vào các thị trường để có thể tự tài trợ do quốc gia này đang trong tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Cuối cùng là sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm đi rất nhiều do đồng drachme mới sẽ bị mất giá từ 20 - 30% so với đồng euro. Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, nếu không ra khỏi Eurozone, Athens sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trầm trọng. "Người dân Hy Lạp sẽ bị bóp nghẹt từ từ do đồng lương thấp. Đất nước sẽ không bao giờ tái công nghiệp hóa nếu vẫn duy trì đồng euro. Ngược lại, không có đồng tiền chung, Hy Lạp có thể sẽ tái tạo lại được sự năng động nội tại và việc làm".

Phía chống "Grexit" thì lập luận rằng việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone có thể tạo ra một tiền lệ. Một bộ phận châu Âu quan ngại sẽ có hiện tượng lây lan trong khu vực. Liệu các nước như Bồ Đào Nha, Ireland, thậm chí Tây Ban Nha và Italy cũng bị các chủ nợ đẩy ra cửa như Hy Lạp hay không?

Những người chống "Grexit" cho rằng tuy các chương trình cải cách của bộ ba định chế IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và EU tuy hơi khắt khe và gây ra nhiều bất mãn, nhưng Hy Lạp cũng bắt đầu gặt hái kết quả: tăng trưởng trở lại (hy vọng tăng trưởng 2,5% trong năm nay), thặng dư ngân sách bắt đầu trở lại cho phép đất nước có thể tự tài trợ cho các nhu cầu của chính mình.

Bên cạnh đó, cũng như cảnh báo của nhà kinh tế học Jacques Maziers, Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ làm "tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình. Điều này sẽ nhấn chìm đất nước trong nghèo khổ. Do đó, trong chừng mực mà bộ ba định chế vẫn còn có thể trợ giúp đất nước cải cách, thì mọi hành động ra khỏi khu vực đồng euro là phản tác dụng". Một “Grexit” cũng chính là "sự thất bại của châu Âu, vì đã có sai lệch trong dự án chính trị của mình".

Theo TTK/baotintuc.vn