1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tương lai bất định phủ bóng thỏa thuận an ninh lịch sử giữa Mỹ và Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng tương lai của cam kết này vẫn là dấu hỏi khi cuộc bầu cử Mỹ sắp tới gần.

Tương lai bất định phủ bóng thỏa thuận an ninh lịch sử giữa Mỹ và Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

Mỹ đã gia hạn bảo đảm an ninh cho Ukraine trong 10 năm tới, một nỗ lực rõ ràng nhằm báo hiệu sự ủng hộ lâu dài cho Kiev trước Nga.

Thỏa thuận an ninh song phương, được công bố vào tối 13/6 bên lề cuộc họp G7 ở Italy, là cam kết rằng Mỹ sẽ giúp Ukraine tăng cường cơ sở công nghiệp - quốc phòng, điều phối các nhu cầu vũ khí trong tương lai của Kiev và đưa Ukraine đến gần hơn với việc gia nhập NATO.

Điều quan trọng là hiệp ước không có điều khoản cam kết rằng Mỹ sẽ đưa lực lượng tới Ukraine. Thay vào đó, thỏa thuận này chính thức hóa sự hỗ trợ hiện tại của Washington dành cho Kiev trong ít nhất 10 năm nữa.

Tuy nhiên, thỏa thuận này có một vấn đề lớn, theo Politico. Đây chỉ là thỏa thuận giữa chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden với Ukraine. Nó sẽ không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Thỏa thuận này được ký khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong 5 tháng nữa và cuộc đua song mã giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump với ông Biden đang nóng lên.

Nếu kịch bản cựu Tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 năm sau, ông Trump có thể không đồng ý với thỏa thuận mà ông Biden đã ký, từ bỏ cam kết của Washington.

Politico cho rằng, đây là canh bạc chính trị lớn của ông Biden. Thỏa thuận của ông có mục đích trấn an Ukraine và các đồng minh châu Âu nhưng ông không thể đảm bảo được rằng liệu nó có kéo dài trong 10 năm hay không.  

Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận trước khi phát biểu trước các phóng viên. Ông Biden nói: "Một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine phải được bảo đảm bằng khả năng tự vệ của chính Ukraine hiện tại và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai".

Ông Zelensky cho rằng đây là "một ngày lịch sử" và thỏa thuận này "có lợi cho tất cả mọi người trên thế giới".

Politico nhận định, mục tiêu của ông Biden dường như là thể hiện mình là nhà lãnh đạo không thể nghi ngờ của khối phương Tây và nâng cao hình ảnh toàn cầu của ông trước cuộc bầu cử tháng 11.

Đội ngũ của ông Biden dường như kỳ vọng động thái này sẽ tạo cho ông một hình ảnh hoàn toàn khác với đối thủ Donald Trump về chính sách quốc tế.

Ông Trump, với quan điểm "Nước Mỹ là trên hết" từ lâu đã đặt câu hỏi lớn về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine và an ninh châu Âu.

Hồi cuối tháng 4, trả lời phỏng vấn tạp chí Time, cựu Tổng thống Trump cảnh báo, nếu ông đắc cử, Mỹ sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu các nước châu Âu không viện trợ tương xứng.

Ông Trump từ lâu đã phản đối việc Mỹ chi hàng tỷ USD cho Ukraine. Ông cũng đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Joe Biden về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Ông khẳng định, nếu ông còn làm tổng thống, xung đột Nga - Ukraine đã không nổ ra. Ông cũng tuyên bố có thể giải quyết cuộc xung đột này trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử.

Ông cũng cho rằng, châu Âu vẫn chưa có sự hỗ trợ đầy đủ với Ukraine nếu so với Mỹ.

"Tôi đã nói rằng tôi sẽ không chi thêm tiền nữa trừ khi châu Âu bắt đầu đóng góp một cách công bằng. Họ cần phải làm vậy. Châu Âu phải đóng góp. Mỹ đang phải trả nhiều hơn các quốc gia Châu Âu. Điều đó thật không công bằng đối với chúng tôi", ông Trump nói.

Theo quan điểm của ông Trump, vì cuộc xung đột đang diễn ra trên lục địa châu Âu, nên việc châu Âu phải đóng góp nhiều hơn để bảo vệ an ninh là không phải bàn cãi và Mỹ không nên chịu phần lớn gánh nặng này.

Cơ hội quay trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Trump vẫn rất lớn bất chấp ông đối mặt hàng loạt rắc rối pháp lý. Ông nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng và hút được số tiền tài trợ "khủng".

Nếu kịch bản ông Trump đắc cử xảy ra, tương lai về thỏa thuận an ninh vừa ký giữa hai nước sẽ trở thành một câu hỏi lớn, nhất là khi tỷ phú này là người có quan điểm đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết.

Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của ông Trump tại đảng Cộng hòa vẫn rất lớn và nó có thể tác động tới các quyết định tại cơ quan lập pháp về việc viện trợ cho Ukraine trong tương lai.

Theo Politico
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine