Tước quyền, truy tố Assad : Kịch bản Mỹ chính thức tại Syria
Luật pháp hoá chính trị nhằm gạt bỏ Assad có thể tạo cho Washington một vị thế tốt nhất trong ván cờ Syria, mà những quả Tomahawk chưa hẳn tạo ra được...
Washington cho rằng Assad phải ra tòa và tòa án sẽ khép tội Assad
Cuối cùng thì kịch bản của Mỹ với ván cờ Syria nói chung, với chính quyền Assad nói riêng đã lộ diện, đó là tước bỏ quyền lực và đưa Tổng thống Assad ra toà.
Điều đó được thể hiện qua lời của Chánh văn phòng Nhà Trắng Sean Spicer khi cho rằng Syria không thể ổn định nếu ông Assad không ra đi, song Mỹ cũng không kết tội ông Assad, mà để tòa án làm việc đó.
Theo ABC News, Chánh văn phòng Nhà Trắng đã yêu cầu truyền thông không cáo buộc ông Assad phạm tội ác chiến tranh, đồng thời khẳng định Tổng thống Mỹ luôn để ngỏ khả năng tấn công quân sự đối với Syria.
Ông Spicer cho biết : “Tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh Syria sẽ lập lại hòa bình khi Assad vẫn còn nắm quyền”.
Ông Spicer khẳng định: “Hiện chúng tôi đang nỗ lực để kiềm chế IS, đồng thời cũng đang chuẩn bị những bước đi cần thiết để tiến hành chuyển giao quyền lực tại Syria trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một tòa án thích hợp cho Assad và chỉ có tòa án mới có thể khẳng định ông ta có tội hay không”.
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng: “Không có gì phải bàn cãi nữa khi Syria đã dùng các loại vũ khí hóa học bị cấm, qua đó vi phạm những điều khoản trong công ước về vũ khí hóa học cũng như lời kêu gọi của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Do vậy, Tổng thống Donald Trump đã phát lệnh tấn công trừng phạt Syria bằng việc cho “Tomahawk Mỹ bay vào Syria”.
Ông Spicer cũng cho biết thêm: “Nếu họ dùng khí độc để giết hại trẻ sơ sinh, nếu họ ném bom thùng để sát hại người dân vô tội, Tổng thống của chúng tôi sẽ có biện pháp đáp trả. Tổng thống Mỹ luôn có lựa chọn hành động chống lại chính quyền Assad vì lợi ích quốc gia cũng như nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng vũ khí hóa học đối với người dân”.
Như vậy, việc trừng phạt Syria không chỉ còn là liên quan đến sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học mà đã được Washington mở rộng ra với việc sử dụng bom thùng. Trong khi đó, bom thùng được cho là một phương thức tấn công mà quân chính quyền Assad thường xuyên sử dụng.
Theo các tổ chức nhân đạo quốc tế, trong tháng 2/2017 quân đội Syria đã thả hơn 500 bom thùng từ các máy bay quân sự.
Với các tiêu chí dùng làm cơ sở cho hành động quân sự của Mỹ chống lại chế độ Assad được mở rộng, đồng nghĩa vòng vây bao quanh Damascus đang được Washington khép lại dần.
Điều đó cho thấy Washington quyết gạt bỏ Assad khỏi bàn cờ chính trị tại Syria và vũ khí hóa học chỉ là cái cớ cho Washington, còn kịch bản của họ là một bàn cờ mới cho Syria, mà ở đó Moscow chỉ đóng vai phụ diễn, chứ không còn là đạo diễn nữa.
Có thể thấy rằng, Trump đã quyết lật ngược thế cờ mà từ đó Putin đã đưa Obama vào thế việt vị khiến Washington luôn phải “lấp ló bên cánh gà” tại Syria gần 3 năm qua.
Tuy nhiên, Obama bị việt vị trong “nước cờ vũ khí hóa học của Syria”, song Trump không sửa sai lầm của Obama, mà chỉ xem nước đi đó là cái cớ cho một nước cờ mới táo bạo hơn, quyết liệt hơn.
Có thể những quả tên lửa Tomahawk của Mỹ sẽ không được tiếp tục cho bay vào Syria nữa, mà Washington chọn một kịch bản nguy hiểm hơn rất nhiều với chế độ Assad. Bởi việc Washington xác định sẽ có phiên tòa cho Assad thì rõ ràng không phải chỉ là Assad ra đi nữa, mà cả chính quyền Damascus sẽ bị lật nhào bởi tội đồng loã, đồng phạm với Assad.
Tại sao Washington lại chọn luật pháp hóa chính trị tại Syria ?
Như người viết đã từng phân tích, việc Mỹ và đồng minh sử dụng chiêu trò cho luật pháp hóa chính trị nhằm tước bỏ quyền lực của những thực thể phản ứng tiêu cực với công hiệu của “củ cà rốt Mỹ và cây gậy của Washington”, là biện pháp cực kỳ nguy hiểm. Chủ quyền một quốc gia có thể bị xâm phạm nếu thực thể đại diện chủ quyền quốc gia ấy bị xác định gây tội ác.
Và Washington đã chọn luật pháp hóa chính trị để lật đổ Assad chứ không hẳn là tấn công quân sự. Không thể phủ nhận Washington có thể sử dụng sức mạnh Mỹ để loại bỏ Assad, song dường như Washington lại không chọn biện pháp đó.
Nguyên nhân của lựa chọn đó chưa hẳn là vì “yếu tố Nga”, mà lý do nằm ở “ưu điểm” của biện pháp này đối với mưu đồ của Washington.
Thứ nhất, Washington có thể “nhổ tận gốc” chế độ của Assad khi tòa án xác định ông này có tội. Bom đạn Mỹ có thể cày nát đất nước Syria, có thể tiêu diệt Assad, song không thể làm được điều đó.
Lãnh đạo một quốc gia bị giết chết bởi bom đạn của quân xâm lược sẽ khiến cho lòng người trỗi dậy, cho dù có thể khi còn sống, nhà lãnh đạo đó không được lòng dân.
Tuy nhiên, khi lãnh đạo một quốc gia bị xét xử và tòa phán quyết có tội thì lòng người sẽ ly tán, cho dù phiên tòa không phải được mọi người dân ủng hộ. Mà việc tìm chứng cứ khép tội với một lãnh đạo trong hoàn cảnh chiến tranh như Syria không phải là quá khó. Bởi “một vài viên đạn lạc” có thể là chứng cứ cho việc luận tội tại tòa mà để bác bỏ không hề đơn giản chút nào.
Trong khi đó, cha con Tổng thống Assad đặt đất nước Syria trong trạng khẩn cấp mấy chục năm nên sẽ có rất nhiều cơ hội cho những thế lực “vạch lá tìm sâu”, đưa ra những chứng cứ chống lại ông. Cá nhân người viết cho rằng, khi Washington khẳng định chỉ có tòa án mới xác định được tội danh của Assad là do Washington đã nhìn thấy điểm yếu này của nhà lãnh đạo Syria.
Như vậy, có thể chính quyền Trump không dùng bom đạn để biến Syria thành một Iraq.2, nhưng sẽ dùng chiêu trò luật pháp hóa chính trị để đưa Syria thành một Iraq.2, mà việc mở các phiên tòa luận tội Assad như đã tiến hành với Saddam Hussein.
Thậm chí Washington có thể thúc đẩy ICC để truy tố Assad như đã làm với Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic.
Thứ hai, đảm bảo sự “trong sạch nhất” cho Washington khi dấn vào sâu ván cờ Syria. Những quả tên lửa “Tomahawk bay vào Syria”, dù bất cứ lý do gì đều khiến cho Washington bị chấm điểm đen trong lòng công chúng Syria.
Bất luận thế nào thì chính quyền Assad vẫn là thực thể đại diện chủ quyền của Syria, do vậy hành động của Washington đều được hiểu là hành động xâm lược.
Như vậy, nếu dùng Tomahawk để làm thay đổi vị thế tại Syria, thì dù có làm đạo diễn hay phụ diễn trong ván cờ Syria, Washington luôn “không sạch” với người dân Syria. Điều đó sẽ rất bất lợi cho Mỹ trong việc tạo thế cờ cho mình trước Nga – một thực thể bước vào ván cờ Syria đúng bài bản và được xem là hợp pháp.
Khi việc gạt bỏ Assad không phải do bom đạn Mỹ mà được tiến hành bởi cán cân công lý thì Washington sẽ dễ dàng trong việc tạo ảnh hưởng tại Syria. Bởi việc luật pháp hóa chính trị có thể gột rửa một "mưu đồ chính trị..." nếu kết quả của mưu đồ ấy được sử dụng làm bằng chứng luận tội và cơ sở khép tội tại phiên toà.
Luật pháp hóa chính trị nhằm gạt bỏ Assad là một kịch bản có thể tạo cho Washington một vị thế tốt nhất trong ván cờ Syria, mà những quả Tomahawk Mỹ chưa hẳn tạo ra công lực và mang lại hiệu quả như vậy. Đây là một nước cờ hiểm mà Moscow không thể xem thường.
Theo Ngọc Việt
Đất Việt