Tự do và cực đoan: đâu là giới hạn?
Dù ai đúng, ai sai thì sự kiện đau thương này cũng đã xảy ra và có vẻ như chưa dừng lại. Tội ác này không hẳn xuất phát từ các khác biệt tín ngưỡng, văn hóa hay chưa hiểu đủ về nhau...
...Mà chính là từ sự nghi kị, lòng ích kỷ, không muốn chấp nhận các khác biệt của nhau và trên hết là sự cực đoan từ cả hai phía.
LTS: Ngày 19/1, khoảng 800.000 người tại Chechnya, Nga đã xuống đường biểu tình phản đối tranh bìa số mới nhất có hình tiên tri Muhammad của tờ Charlie Hebdo. Cùng ngày, Hiệp hội SV Hồi giáo Iran cũng tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Pháp ở thủ đô Tehran. Nhiều người lên án đợt tấn công khiến 12 người thiệt mạng vừa qua, nhưng cũng chỉ trích việc báo này tiếp tục đăng biếm họa về tiên tri Muhammad là “lạm dụng tự do ngôn luận”. Câu chuyện về ranh giới giữa tự do và cực đoan, giữa dân chủ và tự do ngôn luận tiếp tục nóng trong những ngày qua. Xin giới thiệu thêm góc nhìn dưới đây để bạn đọc tham khảo.
Biểu đạt sự tha thứ
Khi Internet và Tự do thương mại cùng tiến trình Toàn cầu hóa khiến chúng ta cảm thấy Nhân loại đang nhích gần nhau thì sự kiện một nhóm Hồi giáo (được xem là cực đoan) tấn công báo Charlie Hebdo làm chết người và các hệ lụy đang diễn ra khiến nhiều người hiểu rằng thế giới ngày hôm nay vẫn còn nhiều khác biệt không dễ xóa nhòa.
“Tự do ngôn luận” hay “Tự do biểu đạt” là một trong những Quyền Con Người cơ bản nhất, vốn được thừa nhận và bảo vệ bằng Hiến Pháp của các Thể chế Dân chủ và Công ước Quốc tế. Dù vậy, Tự do ngôn luận không phải là một quyền tuyệt đối bởi sự giới hạn của quyền này luôn gây tranh cãi và có thể được hiểu theo nhiều cách.
Giống như Tự do Ngôn Luận, Tự do Tôn giáo cũng được thừa nhận và bảo vệ rộng rãi bởi các Chính thể Quốc gia và các công ước Quốc Tế. Song không có quy định nào xác định nội dung và phạm vi của sự tự do này.
Một người có thể theo hay không theo một tôn giáo hay tín ngưỡng nào đó. Rất khó quy định rằng khi nào và như thế nào một cá nhân, cộng đồng hay một tôn giáo bị xúc phạm mà những điều này được điều chỉnh trong từng hoàn cảnh.
Do sự đụng độ giữa hai Quyền này là khó tránh khỏi nên các nước có biện pháp khác nhau (tùy bối cảnh xã hội) để hạn chế xung đột. Trong khi tại Hoa Kỳ, Tự do ngôn luận gần như bất khả xâm phạm, chỉ bị giới hạn trong trường hợp ảnh hưởng đến An ninh Quốc gia, nguy cơ xung đột cao thì một số nước lại quy định chặt chẽ để sự tự do này không xâm phạm đến nhân phẩm và Đức tin của cá nhân và cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Hoặc cố gắng dung hòa.
Sự kiện Charlie Hebdo cho thấy tuy hầu hết Quốc gia đều công nhận và đảm bảo hai Quyền này nhưng mức độ và phạm vi mỗi quyền được điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu xung đột. Với Phương Tây, những ai sùng tín quá mức vào Tôn giáo và không chấp nhận các chỉ trích, phê phán với Tôn giáo của họ sẽ được coi là ‘cực đoan”. Trong khi ở xã hội Hồi giáo, sự tự do quá mức trong biểu đạt, chế giễu Đấng Tiên Tri của họ sẽ được coi là phỉ báng, không thể tha thứ.
Sự khác biệt này nhiều lúc khiến cho một số tín đồ coi Quyền tự do biểu đạt trong các xã hội dân chủ chính là kẻ thù. Trong khi những người cổ xúy cho tính bất khả xâm phạm của Quyền này lại cho rằng nỗ lực của họ đang bị những kẻ cuồng tín, cực đoan xâm phạm và vì dân chủ, tự do, họ sẽ không dừng lại mà tiếp tục chiến đấu vì Quyền tự do biểu đạt mà mình theo đuổi.
Dù ai đúng, ai sai thì sự kiện đau thương này cũng đã xảy ra và có vẻ chưa dừng lại. Tội ác này không hẳn xuất phát từ khác biệt tín ngưỡng, văn hóa hay chưa hiểu đủ về nhau mà chính từ sự nghi kị, lòng ích kỷ, không muốn chấp nhận các khác biệt của nhau và trên hết là sự cực đoan.
Như phát biểu của Giáo Hoàng Francis “Tự do ngôn luận cũng có giới hạn nhất là khi nó xúc phạm các đức tin của người khác” và “…Tự do ngôn luận cần được thực hành mà không tạo ra sự xúc phạm”.
Sự kiện này còn cho thấy, biểu đạt những gì chúng ta nghĩ hay mong muốn tuy là “Quyền” cơ bản nhưng nó chỉ có thể mang lại tốt đẹp cho bản thân và xã hội khi diễn ra trong mối quan hệ hài hòa với các Quyền khác, song song với tôn trọng Nhân phẩm, Đức tin và giá trị của các cá nhân và cộng đồng khác.
Các Tôn giáo đều dạy con người hướng thiện và mong tạo dựng một xã hội tốt đẹp, bác ái hơn. Cách thực hành có thể khác nhau, nhưng về cơ bản không có Tôn giáo nào cổ súy cho giết chóc mà phần lớn đề cao sư tha thứ. Chỉ những ai cực đoan, mạo nhận và không hiểu được sự cao thâm của Đấng Tiên Tri hoặc cố tình không hiểu vì một mục đích xấu xa nào đó mới giết người để trả thù nhân danh Ngài. Tuy chỉ là thiểu số nhưng ảnh hưởng đến hình ảnh cả cộng đồng.
Sự đối nghịch với Phương Tây và tinh thần cực đoan vẫn sẽ còn một khi tình trạng đói nghèo và những bất công chưa chấm dứt. Tự do biểu đạt sẽ thật sự có ý nghĩa nếu được dùng để Thế giới hiểu rõ hơn về tình trạng và căn nguyên nghèo khó của những cộng đồng này. Lòng hận thù sẽ hết một khi đói nghèo chấm dứt và thể chế văn minh xuất hiện.