1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc yêu cầu Mỹ đứng ngoài chiến dịch “Săn cáo”

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng đưa ra các cáo buộc vô căn cứ nhằm vào nỗ lực của Bắc Kinh bắt giữ các tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ đứng ngoài chiến dịch “Săn cáo” - 1

Tội phạm kinh tế Li Huabo bị cảnh sát Trung Quốc dẫn giải về nước sau khi biển thủ hàng triệu USD và ẩn náu nhiều năm ở Singapore. (Ảnh: WSJ)

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết cộng đồng quốc tế đã nhất trí hợp tác trong việc xử lý tội phạm xuyên biên giới, bao gồm tội phạm tham nhũng, đồng thời cam kết không cung cấp nơi trú ẩn cho các nghi phạm cũng như tài sản bất hợp pháp của các đối tượng này.

“Đó là hành động bảo vệ và thúc đẩy pháp luật khi truy lùng các đối tượng tham nhũng và thu hồi tài sản bất hợp pháp”, ông Wang nói.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ngày 28/10 cáo buộc 8 người Trung Quốc có liên quan tới “chiến dịch thực thi pháp luật phi pháp của Bắc Kinh có tên gọi Săn cáo”. Trong số 8 đối tượng này, 5 người bị bắt tại New York, New Jersey và California sẽ đối mặt với cáo buộc “âm mưu hành động tại Mỹ với tư cách là đặc vụ phi pháp của Trung Quốc”. 3 đối tượng còn lại vẫn đang lẩn trốn và được tin là đang ở Trung Quốc.

"Trung Quốc mô tả Săn cáo là một chiến dịch chống tham nhũng toàn cầu nhằm định vị các đối tượng bỏ trốn trên toàn thế giới và đưa họ quay trở về Trung Quốc để xét xử. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, “người bị săn" là những đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến và những người chỉ trích Trung Quốc”, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong quá trình hợp tác với hơn 120 quốc gia và khu vực nhằm đưa các nghi phạm về nước trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế cũng như các thông lệ quốc tế về thực thi pháp luật.

“Theo tôi biết, những người bị Mỹ bắt giữ không phải là nhân viên thực thi pháp luật của Trung Quốc. Cáo buộc của Mỹ là bịa đặt và vu khống”, ông Wang nói thêm.

Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cáo buộc chiến dịch Săn cáo đã “vi phạm rõ ràng luật pháp và chuẩn mực quốc tế”. Ông Demers cho biết “biệt đội săn cáo” của Trung Quốc đã tới Mỹ để “xác định vị trí của những đối tượng bỏ trốn, sau đó hăm dọa và sử dụng các chiến thuật khác để buộc các đối tượng này quay về Trung Quốc - nơi họ sẽ phải đối mặt với việc bị bỏ tù hoặc các vụ xét xử bất hợp pháp tồi tệ hơn”.

Đáp lại, ông Wang nói: “Mỹ là quốc gia tập trung nhiều nhất các nghi phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế bỏ trốn của Trung Quốc. Tuy nhiên những năm gần đây, phía Mỹ luôn phản ứng tiêu cực trước những đề nghị hợp tác truy bắt tội phạm bỏ trốn của Trung Quốc. Một số cơ quan thực thi pháp luật Mỹ thậm chí ngang nhiên chống lưng, cung cấp nơi trú ẩn và nhiều lần ngăn cản các nghi phạm bỏ trốn tự nguyện về Trung Quốc đầu thú”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ dừng việc "bôi nhọ vô căn cứ các nỗ lực của Trung Quốc trong việc truy bắt nghi phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản bất hợp pháp”,

“Mỹ nên tránh trở thành thiên đường của nghi phạm và tài sản bất hợp pháp của các đối tượng này”, ông Wang nhấn mạnh.

Chiến dịch "Săn cáo" và "Lưới trời"

Khoảng hơn 18.000 quan chức Trung Quốc đã chạy trốn khỏi đất nước trong hơn 20 năm qua, mang theo số tiền tham nhũng hơn 129 tỷ USD. Nhiều quan chức tham nhũng, doanh nhân Trung Quốc biển thủ số tiền lớn được cho là chạy sang Mỹ, nhập tịch vào đây bằng cách đầu tư vào bất động sản.

Mỹ, Canada hay Australia là 3 quốc gia được coi là “thiên đường” của các tội phạm kinh tế Trung Quốc do thủ tục dẫn độ khó khăn. Ngoài Săn cáo, Trung Quốc còn triển khai chiến dịch lưới trời để đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.

Chiến dịch Săn cáo được Trung Quốc phát động từ tháng 7/2014 nhằm mục đích truy lùng các quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài. Trong khi đó, chiến dịch Lưới trời được khởi động từ đầu năm 2015 và triển khai sâu rộng hơn thông qua việc phối hợp giữa các cơ quan chính phủ khác nhau, nhằm mở cuộc tấn công nhiều hướng vào những kẻ đào tẩu và những người liên đới. Săn cáo nhắm vào các mục tiêu cụ thể, trong khi Lưới trời "quăng lưới" bủa vây trên diện rộng.