1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tung tin “vịt” về hạm đội tàu chiến ở Biển Đông?

(Dân trí) - Chính phủ Malaysia cho biết không phát hiện nhóm tàu chiến Trung Quốc ở gần vùng biển nước này vào thứ ba tuần trước, mặc dù Trung Quốc khẳng định họ đã phái 4 tàu cùng binh sỹ, trực thăng tới bãi James, “cực nam” của “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.

 

Jinggangshan trong cuộc diễn tập gần tỉnh Hải Nam ngày 20/3 vừa qua.

Theo báo chí Trung Quốc, Hạm đội 4 tàu chiến trong đó có tàu tấn công lưỡng cư Jinggangshan hiện đang "tung hoành" ở Biển Đông.

 

Trung Quốc tuần trước cho biết họ đã đưa nhóm 4 tàu chiến tới bãi cạn James, cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80km trong khi cách lục địa Trung Quốc tới 1.800km.

 

Song, tờ Strait Times ngày 2/4 đưa tin Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết họ không phát hiện được sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở khu vực bãi James. “Malaysia đã tiến hành tuần tra thường xuyên ở Biển Đông, nhưng khi kiểm tra với hải quân hoàng gia Malaysia và Cơ quan hải giám Malaysia, không thấy bất kỳ sự hiện diện nào của tàu hải quân Trung Quốc trong lãnh thổ của Malaysia”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết với tờ Strait Times vào ngày 1/4 vừa qua.

 
Trung Quốc "hù dọa"? 
 

Trong động thái chưa từng có tiền lệ, Bắc Kinh cho biết 4 tàu của Hạm đội Hải Nam, hải quân nước này, đã tiến hành diễn tập ở nơi gọi là “cực nam” của “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

 

Giới quan sát nhận định đây là lần đầu tiên báo chí nhà nước Trung Quốc đăng tải về cuộc tập trận kiểu này của hải quân và có thể nhằm gửi tín hiệu tới các nước Đông Nam Á rằng họ có thể dùng vũ lực trong các cuộc tranh chấp biển đảo.

 

Một số cũng cho rằng có khả năng hải quân Trung Quốc không tiến vào bãi cạn James và họ chỉ tung tin “vịt” để gây áp lực đối với các nước láng giềng. Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng bị xem là tung tin “vịt” liên quan đến vụ mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Nga. Cụ thể, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Nga của chủ tịch Tập Cận Bình vừa qua, báo chí nhà nước Trung Quốc đã đưa tin Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 4 tàu ngầm và 24 chiến đấu cơ của Nga. Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Nga đã phủ nhận thông tin này.
 
Hay Malaysia muốn "lờ đi"?

 

Đối với vụ tàu chiến Trung Quốc tới bãi cạn James, một số nhà phân tích cũng lý giải nguyên nhân Kuala Lumpur xem nhẹ động thái của Trung Quốc, đó là có thể xuất phát từ vấn đề trong nước. Hiện Malaysia đang tập trung cho vấn đề đối nội, khi mà cuộc tổng tuyển cử chỉ còn vài tuần nữa là bắt đầu. Ngoài ra, chính phủ Malaysia đang phải đối phó với chiến binh Sulu ở Sabah.

 

“Chính phủ Malaysia được xem là hướng nội nhiều hơn, tập trung vào các chính sách trong nước trong những năm gần đây và việc đẩy lui chiến binh Sulu quan trọng hơn …các vấn đề bên ngoài vào thời điểm hiện nay”, tiến sỹ Joseph Liow, phó trưởng khoa tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, đại học công nghệ Nanyang cho biết với tời Strait Times.

 

“Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Malaysia không để mắt liên tục tới di chuyển của hạm đội hải quân Trung Quốc ngoài khơi nước này”, ông Liow cho biết thêm.

 

Các nhà phân tích cho rằng các cuộc tập trận hải quân có thể trở thành thường niên, khi Trung Quốc gia tăng tuyên bố chủ quyền ở các đảo trên Biển Đông.

 

“Có rất ít nước Đông Nam Á có thể làm gì với điều đó, bởi không nước Đông Nam Á nào có nguồn lực và sức mạnh để đương đầu với Trung Quốc”, tiến sỹ Hamzah Ahmad, học giả chuyên về luật và an ninh biển tại đại học Universiti Malaya cho biết trên Strait Times. “Malaysia chắc chắn tránh đối đầu với Trung Quốc, để mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khu vực không bị ảnh hưởng”.

 

Phan Anh

Theo Strait Times