1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc có thay đổi khi bất ngờ đề xuất đàm phán về Biển Đông?

(Dân trí) - Trung Quốc hôm qua đã bất ngờ đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như với toàn bộ. LiệuTrung Quốc có thay đổi trên hồ sơ Biển Đông?

           
Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa ở Jakarta ngày 2/5.

 

Sau cuộc đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đề xuất thành lập một nhóm yếu nhân để bổ sung cho các cuộc đàm phán giữa các chính phủ về vấn đề “bộ quy tắc ứng xử” trên Biển Đông.

 

Ông Vương hiện đang ở thăm Indonesia trong chuyến công du 4 nước thành viên của ASEAN và đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 3. Sau chặng dừng chân ở Jakarta, ông Vương dự kiến sẽ tới Singapore và Brunei.

 

Khi ở Bangkok vào ngày thứ tư, ông Vương cho biết với các quốc gia thành viên ASEAN rằng Trung Quốc muốn giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đối thoại.

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo chung với ông Natalegawa, ông Vương cho biết Trung Quốc luôn sẵn sàng đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên biển. “Chúng tôi đã nhất trí với ASEAN rằng cả hai bên sẽ kiến tạo COC (bộ quy tắc ứng xử) dựa trên sự đồng thuận”, ông cho hay.

 

Ông Natalegawa cho biết ông hoan nghênh đề xuất của ông Vương về việc sớm mở các cuộc đàm phán cấp làm việc về “bộ quy tắc ứng xử” và thành lập Nhóm yếu nhân. 
 

Trước đó, cũng trong ngày thứ năm, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc ASEAN và Trung Quốc “tiến tới một kết luận sớm về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” và cho biết các ngoại trưởng ASEAN cùng Trung Quốc sẽ có phiên họp đặc biệt vào tháng 8 để thảo luận vấn đề bộ quy tắc.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, trên đây là những quan điểm không có nhiều điểm mới của Trung Quốc, đúng như Ngoại trưởng Vương đã khẳng định: “Đây là quan điểm của chúng tôi và chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi”. Vấn đề đặt ra là khi nào Trung Quốc thực sự muốn đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông và khi nào thì bộ quy tắc đó có thể đạt được.

Cũng tại Indonesia ông Vương nhắc lại rằng Trung Quốc có cơ sở lịch sử và pháp lý đầy đủ về chủ quyền các đảo trên Biển Đông. Ông cũng cho rằng không phải Trung Quốc mà các bên khác đang tạo ra thay đổi trong khu vực – ám chỉ tới Philippines, nước đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Luật biển để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tờ Straits Times (Singapore) dẫn lời giới phân tích nhận định, việc lần đầu tiên trong 15 năm qua, một tân ngoại trưởng Trung Quốc lựa chọn Đông Nam Á làm điểm công du nước ngoài đầu tiên chỉ nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay với một số nước ASEAN về vấn đề Biển Đông.

 

Đáng chú ý, 4 nước Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm thì ngoài Brunei, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng không được cho là thành tố phản đối mạnh mẽ Trung Quốc, 3 nước còn lại đều không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên vùng biển này.

 

Theo nhận định của tiến sỹ Từ Lập Bình ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đây là động thái “vận động” các nước này giữ vai trò trung lập trong vấn đề Biển Đông, trước khi các nước ASEAN nhóm họp ở cấp ngoại trưởng vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thống nhất lập trường chung về COC trước cuộc gặp ASEAN - Trung Quốc dự kiến vào tháng 8, theo đề xuất của Thái Lan.

 

Phan Anh
Theo Kyodo, NHK