1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc “thổi lửa” tranh chấp với Ấn Độ qua tuyên bố chủ quyền

Cuộc đối đầu Ấn Độ – Trung Quốc không chỉ tồn tại trên thực địa, nó bắt đầu lan sang lĩnh vực pháp lý với các tuyên bố với khu vực tranh chấp.

Trung Quốc dường như đang đặt những bước đầu tiên trên mặt trận này, tại nơi vừa xảy ra đối đầu với binh lính Ấn Độ. Một chuyên gia nghiên cứu về biên giới tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vừa tuyên bố nước này yêu sách với toàn bộ thung lũng Galwan – nơi hiện đang xảy ra tranh chấp với Ấn Độ. Đây là một bước ngoặt lớn trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh của Ấn Độ.

Trung Quốc “thổi lửa” tranh chấp với Ấn Độ qua tuyên bố chủ quyền - 1

Đoàn xe của quân đội Ấn Độ di chuyển trên tuyến cao tốc Srinagar-Ladakh hôm 18/6. Ảnh: AP.

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 19/6, nghiên cứu sinh Trương Dũng Phan (Zhang Yongpan) tại Viện Nghiên cứu Biên giới Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 19/6 tuyên bố: “Nhiều tài liệu từ triều đại nhà Thanh (từ năm 1644-1911) và các văn tự phương Tây đã ghi nhận thung lũng Galwan là lãnh thổ của Trung Quốc… Dựa trên các nguyên tắc về ‘các quyền lịch sử’, Trung Quốc có quyền tài phán với toàn bộ khu vực thung lũng”.

Tuyên bố mới này đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược của Trung Quốc. Theo đó, nước này giờ đây có tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ phía Tây của đường Kiểm soát Thực tế (LAC) và tới cả điểm giao nhau giữa sông Galwan và sông Shyok. Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ thung lũng này. Trong khi đó, hầu hết các bản đồ của Trung Quốc cho thấy toàn bộ sông Galwan thuộc lãnh thổ Trung Quốc; nhưng bờ Tây của con sông này - nơi nó gặp sông Shyok lại chưa từng được thể hiện trong bất kỳ tấm bản đồ nào của Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời nhà nghiên cứu này nói: “Trong khu vực gần sông Shyok ở phía Tây sông Galwan, Ấn Độ đã xây sân bay, các cây cầu vĩnh cửu, đường xá và làng mạc. Trong nhiều năm, nước này đã tìm cách để thâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc”.

Thông tin này xuất hiện sau một tuyên bố hôm 16/6 của người phát ngôn Mặt trận phía Tây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đại tá Trương Thủy Lợi (Zhang Shuili), rằng “Trung Quốc luôn luôn bảo vệ chủ quyền của mình tại khu vực thung lũng Galwan”. Đại tá Trương khẳng định như vậy vào thời điểm một ngày sau vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa binh lính hai nước tại biên giới kể từ năm 1967. 

Trung Quốc “thổi lửa” tranh chấp với Ấn Độ qua tuyên bố chủ quyền - 2

Bản đồ các vị trí chiến lược trong tranh chấp Ấn - Trung tại Đông Ladakh. Ảnh: Republic world.

Những yêu sách không có cơ sở

Đáp trả tuyên bố của PLA, Bộ Ngoại giao Ấn Độ gọi các yêu sách này là một cách cường điệu và không có cơ sở để biện minh.

Theo đó, đường LAC chạy về phía đông của ngã ba sông Galwan - Shyok, và cuộc đụng độ hôm 15/6 được cho là đã xảy ra ở khu vực nằm giữa ngã ba sông và LAC, thuộc phía Ấn Độ. Mặc dù LAC chưa bao giờ được phân định ranh giới và có những nhận thức khác nhau ở ít nhất hơn một chục điểm dọc theo LAC, nhưng yêu sách chủ quyền này của Trung Quốc không nằm trong số đó. Và người ta cũng chưa ghi nhận sự cố tranh chấp nào trong quá khứ.

Trả lời tờ The Hindu của Ấn Độ trước đó, Taylor Fravel, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massuchusetts- MIT, khẳng định: Các bản đồ Trung Quốc cho thấy gần như toàn bộ dòng sông Galwan nằm trong phần lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Sự khác biệt duy nhất sẽ là mũi phía tây của sông Galwan khi nó gặp Shyok. Ở đây, vài km cuối cùng của sông Galwan thường được miêu tả là nằm bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, cách người ta xác định các tham số của thung lũng có thể khác với sông.

Trung Quốc muốn chặn quyền kiểm soát của Ấn Độ

Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã lên kế hoạch gây hấn kể từ khi Ấn Độ cho mở con đường Darbuk- Shyok- Daulet Beg Oldie (DSDBO) với vai trò quan trọng chiến lược vào năm 2019. Hướng lên phía Bắc của tuyến đường này chạy song song với LAC được khánh thành năm 2019, cho phép Ấn Độ tiếp cận trong mọi điều kiện thời tiết với chốt biên giới Daulet Beg Oldie, một trong những điểm cực bắc ở Ladakh. Giờ Trung Quốc muốn ngăn Ấn Độ phát triển nó sang phía Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể đang muốn kiểm soát các khu vực gần hợp lưu của hai con sông, từ đó có thể vô hiệu hóa tuyến đường này.

Sau lần va chạm giữa hai bên từ năm 1962, thung lũng Galwan đã lại trở thành điểm nóng trên biên giới Ấn – Trung. Đơn giản bởi nó có giá trị chiến lược vào lúc này. Nắm được thung lũng, cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ sở hữu nguồn nước dồi dào, và là một điểm kiểm soát quan trọng kết nối Trung Quốc và Nam Á. Với Ấn Độ, giữ được điểm nóng này cũng có nghĩa họ sẽ giữ được an ninh cho cả Ladakh và Kashmir- hai miền đất xa xôi nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.

Theo PV

VOV- New Delhi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm