1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thấy gì từ ngân sách quốc phòng Nhật Bản?

Việc phân tích chi tiết các khoản chi tiêu trong ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh không khỏi lo âu.

Máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey bảo vệ các hòn đảo ở miền nam Nhật Bản
Máy bay vận tải quân sự V-22 Osprey bảo vệ các hòn đảo ở miền nam Nhật Bản

Ngày 14/1, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua ngân sách quân sự kỷ lục trị giá 42 tỷ USD, chiếm khoảng 5% ngân sách quốc gia. Đây là năm thứ ba liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu cho lĩnh vực này trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe muốn tăng cường năng lực phòng vệ của đất nước.

Ngân sách Quốc phòng của Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 4/2015, tăng 2,8% so với năm trước và vượt qua kỷ lục của năm 2002.

Sự gia tăng ngân sách quốc phòng Nhật Bản được cho là thể hiện định hướng chiến lược mới của Thủ tướng Shinzo Abe, được gọi là "chủ nghĩa hòa bình tích cực". Theo chính sách này, Nhật Bản cần tăng cường mạnh mẽ năng lực bảo vệ nền an ninh của mình, đặc biệt trước tham vọng thống trị châu Á của Trung Quốc và các mối đe dọa đến từ Triều Tiên. Ngân sách đó được cho là thực hiện chính sách đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng đến từ Trung Quốc, đặc biệt là ý muốn chiếm lấy quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Tokyo quản lý, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Trước khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại cầm quyền vào tháng 9/2012, ngân sách quốc phòng Nhật Bản đã giảm đều đặn trong vòng 10 năm, và chỉ tăng trở lại trong vòng ba năm gần đây.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, đà gia tăng từ ba năm qua vẫn rất khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng hơn 10% trong chi phí quân sự của Trung Quốc. Vào tháng 3/2014, Bắc Kinh đã loan báo gia tăng 12% ngân sách quốc phòng Trung Quốc, lên đến khoảng 130 tỷ USD.

Tính theo giá trị tuyệt đối, ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản tuy lớn, nhưng thấp hơn nhiều so với khoản tiền mà đối thủ Trung Quốc dành cho các chi tiêu quân sự, và chẳng thấm vào đâu so với đồng minh Mỹ, mà ngân sách quốc phòng đã đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2013.

Có lẽ chính vì không dồi dào cho lắm mà trong cách thức sử dụng ngân sách quốc phòng mới của mình, Tokyo đã đặc biệt ưu tiên cho việc tăng cường và hiện đại hóa các phương tiện cũng như lực lượng có nhiệm vụ giám sát vùng biển đảo xa đang bị Bắc Kinh nhòm ngó, theo dõi hành tung của quân đội Trung Quốc, và sẵn sàng đẩy lùi đối phương khi cần thiết.

Một cách cụ thể, theo các dự án trang bị vũ khí đã từng được tiết lộ, ngân sách quốc phòng mới của Nhật Bản sẽ được dùng vào việc mua thêm 20 máy bay trinh sát hàng hải loại P-1 do chính Nhật Bản chế tạo, có tính năng vượt trội loại P-3C của Mỹ, 5 máy bay V-22 Osprey hiện đại, có khả năng lên thẳng tương tự như trực thăng, một phi đội máy bay không người lái Global Hawk, và một máy bay cảnh báo sớm E-2D có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo ở miền nam Nhật Bản.

Không quân Nhật Bản sẽ có thêm một loạt máy bay mới, trong đó có 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35A cực kỳ tối tân. Hải quân sẽ được trang bị thêm hai khu trục hạm Aegis, trong lúc một hệ thống lá chắn chống tên lửa được phát triển chung với Mỹ.

Ngay từ cuối năm 2013, Chính phủ Abe đã quyết định dành khoảng 24.700 tỷ yen trong vòng 5 năm để mua vũ khí, thiết bị quốc phòng, từ máy bay không người lái, chiến đấu cơ, cho đến tàu ngầm, xe lội nước tấn công nhằm phục vụ mục tiêu chuyển hướng chiến lược về phía nam và phía tây.

Một trong những quyết định đầy ý nghĩa là việc dùng ngân sách năm nay, mua đất tại chuỗi đảo Amami để có thể triển khai quân đội, cũng như việc chuẩn bị đặt một đơn vị giám sát duyên hải trên đảo Yonaguni, không xa quần đảo Senkaku.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng có kế hoạch mua thêm 30 xe lội nước tấn công để trang bị cho Thủy quân lục chiến, đang được thành lập theo mô hình lực lượng Marines của Mỹ. Đây là đơn vị chủ lực có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa xôi hẻo lánh, có nguy cơ bị Trung Quốc đánh chiếm. Như để dự phòng tình huống xấu này, trong thời gian gần đây, quân đội Nhật đã thường xuyên rèn luyện năng lực tấn công tái chiếm hải đảo.

Ngân sách quốc phòng Nhật Bản được tăng cường còn nhằm nhiều mục tiêu khác, nhưng rõ ràng là việc đối phó với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu.

Theo các chuyên gia, hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, trên không phận, và dĩ nhiên là cộng thêm với những hành động hiếu chiến công khai nhắm vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, chắc chắn đã có tác động mạnh, thúc đẩy Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự, điều chỉnh học thuyết quân sự và cách tiếp cận các liên minh an ninh của mình.

Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, cho rằng căng thẳng Nhật-Trung Quốc sẽ tiếp tục ngày nào mà Bắc Kinh còn từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes