1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu tối đa 5 năm đối phó già hóa dân số

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc đã nhất trí về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu trong nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học do dân số già hóa.

Trung Quốc tăng tuổi nghỉ hưu tối đa 5 năm đối phó già hóa dân số - 1

Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số trong những năm qua (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc đã quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên tối đa 5 năm trong bối cảnh đất nước đang phải vật lộn với các thách thức về kinh tế và áp lực ngày càng tăng từ tình trạng dân số già hóa.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi và của nhân viên văn phòng nữ từ 55 lên 58 tuổi theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.

Trong khi đó, sự gia tăng lớn nhất ảnh hưởng đến lao động chân tay nữ, những người trước đây có thể nghỉ hưu ở tuổi 50 nhưng giờ đây sẽ phải đợi đến khi họ 55 tuổi.

Tuổi nghỉ hưu cũ của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ở Nhật Bản, mọi người có thể bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, trong khi ở Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu là 63.

Trung Quốc đã cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm và hiện tại các chính quyền địa phương phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách lương hưu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã cảnh báo rằng theo xu hướng hiện tại, hệ thống lương hưu sẽ có thể cạn kiệt vào năm 2035.

Việc để mọi người làm thêm vài năm sẽ giảm bớt áp lực cho hệ thống lương hưu bằng cách trì hoãn việc chi trả trong khi những người lao động lớn tuổi sẽ đóng tiền vào hệ thống lâu hơn.

Động thái này cũng có thể giúp ích cho nền kinh tế bằng cách chống lại tác động của tình trạng lực lượng lao động đang giảm sút.

Theo số liệu điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc, số người trong độ tuổi lao động - những người từ 16 đến 59 tuổi - đã giảm 40 triệu chỉ sau hơn một thập niên, xuống còn 879 triệu vào năm 2020.

Tỷ lệ sinh thấp cũng có nghĩa là dân số chung đang giảm. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050 và có thể giảm xuống dưới 800 triệu vào năm 2100.

Vào tháng 7, các quan chức cấp cao tại một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng đã đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu và phát triển "nền kinh tế bạc" để tạo ra nhiều việc làm hơn cho người cao tuổi.

Mo Rong, giám đốc Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc cho rằng quyết định này là "lựa chọn tất yếu" sẽ giúp đất nước "thích nghi với chuẩn mực dân số mới".

Tuy nhiên, nó cũng dẫn tới những tranh luận trên mạng xã hội. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc vẫn đang có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao, nên điều đó có nghĩa là người trẻ không tìm được việc còn người già thì không thể nghỉ hưu.

Những năm qua, chính phủ Trung Quốc và các chính quyền địa phương đã áp dụng một loạt chính sách nhằm đối phó tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, những chính sách này khó có thể tạo ra hiệu quả ngay lập tức. 

Những năm qua, chính phủ Trung Quốc và các chính quyền địa phương đã áp dụng một loạt chính sách nhằm đối phó tình trạng già hóa dân số. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, những chính sách này khó có thể tạo ra hiệu quả ngay lập tức.

Do vậy, Trung Quốc phải thích ứng với "tình trạng bình thường mới". Hơn nữa, Trung Quốc cũng không thể sao chép các giải pháp từ các quốc gia khác vì sự phát triển khu vực không đồng đều và những thách thức mà nước này phải đối mặt trong bối cảnh cải cách cơ cấu dân số.

Theo SCMP