1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng tốc trong cuộc đua cung ứng vắc xin Covid-19

Thanh Thành

(Dân trí) - Hai loại vắc xin của Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê quyệt sử dụng khẩn cấp, và hàng loạt vắc xin khác của nước này đang chờ WHO "bật đèn xanh".

Trung Quốc tăng tốc trong cuộc đua cung ứng vắc xin Covid-19 - 1

Một người dân ở đảo Phuket, Thái Lan được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 đã phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19 Sinovac của Trung Quốc vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai của Trung Quốc được WHO phê duyệt sau Sinopharm.

Sau động thái này của WHO, hiện các nhà sản xuất vắc xin khác của Trung Quốc đang xếp hàng chờ được phê chuẩn tiếp theo.

Theo SCMP, hiện có 3 công ty dược phẩm đã chính thức gửi đăng ký phê duyệt lên WHO, trong khi 2 công ty khác đang thảo luận sơ bộ. Một trong 3 công ty là CanSino đã gửi dữ liệu loại vắc xin một mũi cho WHO trong tháng này. Vắc xin của CanSino đã được phê duyệt sử dụng ở trong nước sau khi hiệu quả sử dụng ban đầu ở mức 65,7%.

Một loại vắc xin khác do Sinopharm và Viện chi nhánh của nó ở Vũ Hán phát triển cũng đã có đơn đăng ký phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Sinopharm từng được thử nghiệm loại này chung với một loại vắc xin khác đã được WHO phê duyệt. Hồi tuần trước, công ty Sinopharm đã công bố kết quả thử nghiệm hai loại vắc xin này trên một tạp chí quốc tế.

Hôm 31/5, Viện Vũ Hán cho biết đã bắt đầu xây dựng một nhà máy mới để nâng công suất sản xuất vắc xin lên mức 1 tỷ liều, để từng bước đạt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều của Sinopharm trong năm nay. Công ty thứ ba của Trung Quốc, là công ty con của Chongqing Zhifei cũng đã chính thức đăng ký, nhưng WHO đã phản hồi cần cung cấp thêm thông tin.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, các công ty trên có thể sẽ phải chờ đợi khá lâu để được WHO phê duyệt.

WHO đang thảo luận với Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc về loại vắc xin của công ty công nghệ sinh học này. Ngoài ra, còn có một loại vắc xin tiềm năng khác của Viện Khoa học Y tế Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Trong một bài viết, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã ca ngợi những quyết định phê duyệt vắc xin của WHO, cho rằng nó giúp "tạo ra nền tảng quan trọng cho Trung Quốc trong chiến dịch giúp thế giới chống đại dịch cũng như thu hẹp khoảng cách phân phối vắc xin giữa các nước giàu và nước nghèo".

Nội dung bài báo của Tân Hoa Xã lưu ý rằng, không giống như một số loại vắc xin đã được phê duyệt khác, các sản phẩm của Trung Quốc có ưu điểm là không cần phải bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, và điều này sẽ giúp các nước dễ tiếp cận và bảo quản hơn.

Trung Quốc mới đây tuyên bố đã bán hàng trăm triệu liều vắc xin cho các nước, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Nước này liên tục kêu gọi cần phân phối thông qua Cơ chế Covax của WHO, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vắc xin bình đẳng trên toàn thế giới.

Mariangela Simao, Trợ lý tổng giám đốc WHO về tiếp cận các sản phẩm y tế, nói: "Thế giới rất cần nhiều loại vắc xin Covid-19 để giải quyết tình trạng bất bình đẳng lớn hiện nay. Chúng tôi kêu gọi các nhà sản xuất tham gia vào Cơ chế COVAX, chia sẻ bí quyết và dữ liệu, góp phần kiểm soát đại dịch".

COVAX chỉ sử dụng vắc xin đã được phê duyệt trong trường hợp khẩn cấp, và các chuyên gia cho biết WHO rất muốn bổ sung các loại vắc xin của Trung Quốc vào danh sách này, đặc biệt là sau làn sóng đại dịch kinh hoàng ở Ấn Độ.

Theo giáo sư Anthony Zwi tại Đại học New South Wales, Australia, điều này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu hụt hiện nay. Ông nói: "Càng có nhiều loại vắc xin của nhiều quốc gia khác nhau được phân phối thông qua COVAX sẽ càng giúp giảm thiểu mối lo về chủ nghĩa dân tộc vắc xin và những tác động tiêu cực của ngoại giao vắc xin".

Trung Quốc đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu vắc xin trong nước và đã phê duyệt 4 loại gồm Sinopharm (2 loại), Sinovac và CanSino. Hai loại vắc xin cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp là Zhifei và Kangtai Biologicals.

Chưa cấp phép cho vắc xin nước ngoài

Tuy nhiên, tất cả các loại vắc xin này đều được sản xuất trong nước. Giới chức Trung Quốc vẫn chưa cho biết thời điểm sẽ bắt đầu quy trình cấp phép cho vắc xin của Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức), mặc dù công ty này đã ký thỏa thuận với Fosun Biologicals của Trung Quốc để được sản xuất và độc quyền kinh doanh vắc xin trên thị trường nội địa nước này.

Kangtai Biologicals hồi tháng 2 cho biết đủ năng lực sản xuất 400 triệu liều vắc xin AstraZeneca (Anh) cho Trung Quốc, nhưng cho đến nay cũng không rõ liệu giới chức nước này có xem xét việc cấp phép cho họ hay không.