1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc sẽ làm gì sau khi bay thử nghiệm phi pháp ở Trường Sa?

(Dân trí) - Một vị tướng về hưu của Trung Quốc nhận định rằng Bắc Kinh sẽ sớm đưa các máy bay quân sự thử nghiệm đường băng trái phép mới ở Trường Sa, có thể là ngay nửa đầu năm nay, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

 


Bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Bắc Kinh đồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo (Ảnh: Reuters/CSIS)

Bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Bắc Kinh đồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo (Ảnh: Reuters/CSIS)

Bắc Kinh mới đây đã 2 lần trái phép đưa các máy bay dân sự tới thử nghiệm đường băng mới trên bãi Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nơi Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Việt Nam và các nước trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Philippines.

Trong tuyên bố ngày 7/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".

"Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế".

Tướng về hưu Từ Quang Dụ cho hay đường băng mới sẽ phần lớn phục vụ các mục đích dân sự phi pháp, như cứu hộ và vận chuyển hàng hóa, nhưng cũng có thể được các máy bay quân sự sử dụng để tuần tra Biển Đông.

“Sớm hay muộn, các máy bay quân sự sẽ cất cánh từ đó. Rất có khả năng trong nửa đầu năm nay”, tờ Thời báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời ông Từ.

Theo ông Từ, các sân bay phục vụ máy bay dân sự thường có các quy định ngặt nghèo hơn phục vụ máy bay quân sự. Vì vậy, việc các máy bay dân sự thử nghiệm tại đó chứng tỏ đường băng đã đủ điều kiện phục vụ mục đích quân sự.

Đường băng trên bãi Chữ Thập dài 3.000 m và là một trong số 3 đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ông Từ nói rằng đường băng này thích hợp cho máy bay chiến đấu, ném bom, trinh sát và trực thăng.

Ông Từ còn lớn tiếng nói rằng việc đưa máy bay dân sự tới bãi Chữ Thập có vai trò quan trọng nhằm “phát triển và bảo vệ” các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép, cũng như trợ giúp vận chuyển hàng tiếp tế cho các đơn vị quân đội đồn trú phi pháp tại đây.

Tướng Từ nói các bệnh viện, nhà kho và các cơ sở khác sẽ sớm được xây dựng tại khu vực trung tâm của Biển Đông.

Bình luận trên của ông Từ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh đã tiến hành bồi đắp ít nhất 7 bãi ngầm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và xây dựng các công trình phi pháp trên đó.

Nguy cơ Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Philippines mới đây đã cảnh báo nguy cơ Trung Quốc có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tại Manila ngày 7/1, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nói rằng việc Trung Quốc đưa máy bay ra thử nghiệm trên đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa có thể dẫn tới việc Bắc Kinh đơn phương áp đặt ADIZ ở Biển Đông nếu hành động của Trung Quốc không bị thách thức.

“Chúng tôi rất lo ngại về việc Trung Quốc đã đưa các máy bay tới đá Chữ Thập và chúng tôi e rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động tương tự”, ông Del Rosario nhấn mạnh.

“Chúng tôi tin rằng nếu điều đó xảy ra và không bị thách thức, Trung Quốc có thể áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Dù điều này được thực hiện một cách chính thức hay trên thực tế thì cũng không thể chấp nhận được”, nhà ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

Trung Quốc khăng khăng tuyên bố chủ quyền “không tranh cãi” đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Giới chức Trung Quốc trước đây đã công khai nói rằng một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông có thể được thiết lập nếu Bắc Kinh thấy cần thiết.

Vào năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập ADIZ ở Hoa Đông, bao trùm quần đảo Sekaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước, trong đó có Mỹ. Washington sau đó đã chứng minh việc không thừa nhận sự áp đặt của Bắc Kinh bằng cách điều 2 máy bay ném bom B52 bay qua khu vực này.

Với việc thiết lập ADIZ, Trung Quốc muốn biến không phận toàn khu vực ở Hoa Đông thành không phận nội địa.

Trước đó, các chuyên gia quốc tế cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.

Ông Leszek Buszynski, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Đại học quốc gia Úc, cảnh báo rằng khả năng Bắc Kinh đưa máy bay quân sự ra các đảo nhân tạo là “không tránh khỏi”.

Còn ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), dự đoán rằng căng thẳng sẽ ngày càng trở nên tồi tệ khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới xây dựng để tăng cường sức mạnh ở Biển Đông.

Các chuyên gia cho rằng dù Trung Quốc có thể sẽ chưa chính thức tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không nhưng trên thực tế có thể áp đặt điều đó nhằm bảo vệ các đường băng mới và các cơ sở phi pháp khác.

“Khi các cơ sở mới đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ thường xuyên cảnh báo các máy bay cả dân sự lẫn quân sự”, ông Storey cảnh báo. “Những diễn biến này là tiền đề cho một ADIZ và điều này sẽ khiến căng thẳng leo thang”.

Cùng với Việt Nam và Philippines, Mỹ và Nhật Bản đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc đưa máy bay tới Trường Sa thử nghiệm. Washington nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh chỉ làm gia tăng căng thẳng và làm mất ổn định trong khu vực.

An Bình