1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc ra sức kết thân đồng minh chủ chốt của Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc trong tuần này khi Bắc Kinh được cho là đang tìm cách kết thân với đồng minh chủ chốt của Washington tại khu vực Đông Bắc Á.

Trung Quốc ra sức kết thân đồng minh chủ chốt của Mỹ - 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Seoul năm 2019 (Ảnh: Yonhap).

SCMP dẫn các nguồn tin ngày 31/3 cho biết ông Chung Eui-yong, người đã nhậm chức Ngoại trưởng Hàn Quốc hồi tháng 2, sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại tỉnh Phúc Kiến trong tuần này.

Chuyến đi tới Trung Quốc của nhà ngoại giao hàng đầu Hàn Quốc diễn ra chỉ vài tuần sau chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Trong chuyến công du, 2 quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tập trung vào việc củng cố mối quan hệ với các đồng minh của Washington, đặc biệt với Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Hàn Quốc đang phải tìm cách cân bằng giữa một bên là quan hệ đồng minh với Mỹ và một bên là sự phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc. Ngoại trưởng Chung từng nói sau chuyến thăm của người đồng cấp Mỹ rằng, Hàn Quốc coi trọng mối quan hệ với cả hai nước lớn và không muốn phải "chọn phe".

Từng là cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Chung đóng vai trò quan trọng trong chính sách can dự của Tổng thống Moon Jae-in đối với Triều Tiên, dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào năm 2018. Ông Chung cũng từng là đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in trong việc kết nối hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

Trong cuộc điện đàm hồi tháng 2 sau khi Ngoại trưởng Chung Eui-yong nhận nhiệm sở, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc đối thoại và hợp tác nhiều hơn "trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi nhanh chóng", bao gồm việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Vương Nghị cũng cho biết Trung Quốc phản đối việc chia rẽ ý thức hệ, ám chỉ những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc trên mặt trận quốc tế.

Trong vấn đề thương mại, Hàn Quốc có thể được xem là "mắt xích yếu" trong nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận với các nguồn cung chip hiện đại để nâng cấp lĩnh vực công nghệ và công nghiệp của Bắc Kinh.

Ngày 29/3, nhà sản xuất chip Magnachip Semiconductor của Hàn Quốc thông báo sẽ được bán cho một quỹ đầu tư tư nhân của Trung Quốc với giá khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi đây là công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn màn hình OLED. Thỏa thuận này nhiều khả năng vẫn cần có sự chấp thuận của chính phủ Hàn Quốc, mặc dù một số người cho rằng thỏa thuận có thể đe dọa vị trí dẫn đầu của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp OLED.

"Mỹ muốn tạo ra một mạng lưới bao vây cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, tương tự "Bộ Tứ", nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng Hàn Quốc đã không tham gia vào nỗ lực này", Lu Chao, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nhận định.

"Trung Quốc và Hàn Quốc có chung tâm lý cảnh giác đối với lịch sử chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản. Hàn Quốc cũng cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên", chuyên gia Chao nói thêm.

Bài toán cân bằng quan hệ Mỹ - Trung

Trung Quốc ra sức kết thân đồng minh chủ chốt của Mỹ - 2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong trong cuộc gặp tại Seoul ngày 18/3 (Ảnh: AFP).

Hàn Quốc đã tìm cách tách mình khỏi chiến dịch "bao vây" Trung Quốc của Mỹ và tránh chọc giận Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Seoul. Hàn Quốc đã tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc trong tuyên bố chung với Mỹ nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Seoul. Điều này trái ngược với tuyên bố chung Mỹ - Nhật, khi hai nước sử dụng những từ ngữ cứng rắn hơn và chỉ trích trực tiếp hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken, Ngoại trưởng Chung cũng khẳng định sẽ không có cuộc thảo luận nào về việc Hàn Quốc tham gia Đối thoại An ninh Bộ Tứ - một nhóm do Mỹ dẫn đầu gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ với mục tiêu chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, bất chấp các thông tin trước đó nói rằng Washington đã mời Seoul tham gia.

Năm 2017, Seoul từng phải trả giá đắt về kinh tế vì khiến Trung Quốc tức giận sau khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Bắc Kinh cho rằng THAAD có thể được Mỹ sử dụng để do thám Trung Quốc. Phản ứng mạnh mẽ và các biện pháp trả đũa của Trung Quốc khiến nền kinh tế Hàn Quốc thiệt hại ước tính khoảng 7,5 tỷ USD và vụ việc này vẫn "phủ bóng" lên mối quan hệ giữa hai nước từ đó tới nay.

Park Won-gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans, nhận định Ngoại trưởng Hàn Quốc có khả năng sử dụng chuyến đi của mình tới Trung Quốc lần này để tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh trong việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Hai ngoại trưởng dự kiến cũng sẽ thảo luận về chuyến thăm có thể diễn ra của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hàn Quốc, một cơ hội mà Seoul hy vọng sẽ đánh dấu một khởi đầu mới trong quan hệ song phương sau tranh chấp liên quan tới hệ thống THAAD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ vẫn tăng cường nỗ lực cô lập Trung Quốc trong khu vực, giáo sư Park cho rằng Hàn Quốc sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì sự cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh.

"Cái gọi là sự mơ hồ chiến lược của Hàn Quốc đã đến lúc phải chấm dứt. Không sớm thì muộn, chính phủ Mỹ sẽ chính thức hóa cơ chế đa phương kiểu Bộ Tứ và đề nghị Hàn Quốc tham gia. Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tham gia", chuyên gia Park nhận định.