1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc phản pháo Ukraine, tuyên bố "không thêm dầu vào lửa"

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc tin rằng mọi nỗ lực cần được ghi nhận trong việc hỗ trợ các biện pháp hòa bình xung quanh cuộc chiến Nga - Ukraine.

Trung Quốc phản pháo Ukraine, tuyên bố không thêm dầu vào lửa - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning (Ảnh: Reuters).

Trả lời câu hỏi về hội nghị hòa bình Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning hôm 3/6 cho biết, Trung Quốc chưa bao giờ "thổi lửa hoặc đổ thêm dầu vào lửa".

Bà Mao nói rằng Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với Ukraine và vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Bà Mao khẳng định quan điểm của Trung Quốc về hội nghị hòa bình rất "cởi mở và minh bạch".

"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ của tất cả các bên", bà Mao nói thêm.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại hội nghị an ninh hàng đầu châu Á Shangri-La hôm 2/6 rằng, Trung Quốc đang gây áp lực buộc các nước khác và lãnh đạo các nước này không tham dự hội nghị hòa bình về Ukraine sắp tới. Tuy nhiên, ông không nói rõ là quốc gia nào.

"Nga, sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, sử dụng cả các nhà ngoại giao Trung Quốc, làm mọi cách để cản trở hội nghị thượng đỉnh hòa bình", Tổng thống Zelensky nói.

Thụy Sĩ đầu tháng này xác nhận đã gửi thư mời hơn 100 quốc gia dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, Nga không được mời tham dự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 31/5 cho biết, Bắc Kinh sẽ không tham dự hội nghị hòa bình Ukraine vì hội nghị này không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Nga cũng cho rằng hội nghị sẽ là vô nghĩa vì Moscow không tham dự.

Trung Quốc cũng nêu lập trường trung lập trong cuộc chiến Ukraine. Trong khi đó, kim ngạch thương mại của nước này với Nga đã tăng trưởng, làm giảm bớt tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow.

Các cơ quan tình báo Mỹ, Ukraine và các nước khác cáo buộc Trung Quốc cung cấp thiết bị để sản xuất vũ khí quân sự cho Nga, nhưng cả Moscow và Bắc Kinh đều bác bỏ. Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc gọi đây là cáo buộc "vô căn cứ" và "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Thụy Sĩ đã hy vọng Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị hòa bình sắp tới nhưng Bắc Kinh kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên, trong đó có Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gợi ý rằng Trung Quốc có thể trở thành trung gian tổ chức hội nghị hòa bình có sự tham gia của cả Moscow và Kiev.

Trong chuyến thăm Trung Quốc trong tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine có thể sử dụng hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ để cố gắng thuyết phục một nhóm quốc gia rộng lớn hơn ủng hộ đề xuất của Tổng thống Ukraine, các điều khoản mà Moscow cáo buộc là "tối hậu thư".

Ông Putin cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất hòa bình của Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh hoàn toàn hiểu rõ nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo Reuters