1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc nói sẽ gây áp lực với Myanmar về đập thủy điện gây tranh cãi

(Dân trí) - Trung Quốc ngày 17/3 nói rằng nước này sẽ hối thúc chính phủ mới của Myanmar nối lại một dự án đập gây nhiều tranh cãi hiện đang bị đình chỉ tại quốc gia Đông Nam Á, nói rằng thỏa thuận giữa hai nước vẫn còn hiệu lực.


Đồ họa mô phỏng đập Myitsone (Ảnh: Wiki)

Đồ họa mô phỏng đập Myitsone (Ảnh: Wiki)

Myanmar và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận vào năm 2009 nhằm xây dựng con đập Myitsone bắc qua sông Irrawaddy ở Myanmar, với kinh phí trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư. Theo Reuters, khoảng 90% sản lượng điện dự kiến được sản xuất từ dự án này sẽ được đưa sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống sắp mãn nhiệm Thein Sein đã khiến Bắc Kinh nổi giận vào năm 2011 khi đình chỉ thỏa thuận xây đập sau khi các cuộc biểu tình phản đối xây đập nổ ra tại Myanmar. Người dân địa phương cho rằng công trình sẽ khiến nhiều người phải di cư, đồng thời phá vỡ hệ sinh thái và các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.

Phát biểu trước một hội nghị thượng đỉnh về sông Mekong vào tuần tới tại Trung Quốc giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và lãnh đạo 5 quốc gia Đông Nam Á, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17/3 cho hay đập Myitsone là “một dự án hợp tác quan trọng”.

“Rất đáng tiếc là chính phủ Myanmar đã ngừng nó vào năm 2011. Nhưng hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Làm thế nào để thúc đẩy sự hợp tác này là điều quan trọng với cả hai nước”, ông Lưu nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi nghĩ rằng chính phủ hiện thời không còn đủ thời gian để tái khởi động dự án này. Tôi tin rằng một khi chính phủ mới đi vào hoạt động, chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận với họ về cách thức tái khởi động dự án”, ông Lưu nói thêm.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng ông không rõ ai sẽ đại diện cho chính phủ Myanmar tại cuộc họp thượng đỉnh về sông Mekong tại đảo Hải Nam sắp tới.

Ngoài dự án đập Myitsone, các dự án khác của Trung Quốc tại Myanmar cũng gây tranh cãi, trong đó có mỏ khai thác Đồng Letpadaung mà người dân địa phương nhiều lần phản đối, và các đường ống dầu mỏ và khí đốt trên khắp nước này.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã âm thầm tiếp cận các quan chức cấp cao trong Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền của bà Aung San Suu Kyi về con đập nói trên, các nguồn tin cấp cao của NLD tiết lộ.

Bắc Kinh vốn có quan hệ tốt với chính quyền quân sự của Myanmar nhưng cũng nhanh chóng có các động thái nhằm tăng cường quan hệ với bà Suu Kyi, người đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái.

Trong một tuyên bố hôm 16/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập đã gửi lời chúc mừng tới ông Htin Kyaw, một cố vấn thân cận của bà Suu Kyi vừa đắc cử Tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar.

Ông Tập nói rằng hai nước có quan hệ truyền thống lâu đời và mong muốn tiếp tục hợp tác với Myanmar nhằm thúc đẩy “mối quan hệ đôi hợp tác chiến lược mọi mặt để mang lại lợi ích tốt hơn cho người dân hai nước”.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm