1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thử thách trong quan hệ Trung Quốc - Myanmar

Quan hệ Trung Quốc với Myanmar đang ở thời điểm nhạy cảm, khi hàng loạt dự án của Trung Quốc ở Myanmar sẽ phải xem xét lại sau khi Chính phủ của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ nhậm chức vào đầu tháng 4 tới.

Dự án cảng nước sâu Kyaukphyu đang gặp phải sự phản ứng của người dân Myanmar
Dự án cảng nước sâu Kyaukphyu đang gặp phải sự phản ứng của người dân Myanmar

Với việc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên cầm quyền tại Myanmar, Trung Quốc - nước có đầu tư lớn nhất vào Myanmar đang hy vọng khởi động trở lại được một số dự án hạ tầng cơ sở vốn bị chính quyền mãn nhiệm của Tổng thống Thein Sein đình chỉ. Nhưng đây là điều không phải dễ dàng, nếu như không muốn nói là khó có hy vọng.

Hiện nay Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu danh sách các nhà đầu tư quốc tế tại Myanmar. Tính đến tháng 11-2014, Trung Quốc chiếm 27% tổng số các khoản đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê chính thức, cam kết đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở Myanmar trong cả năm 2015 và tháng 1-2016 chỉ đạt 688 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 8 tỷ USD năm 2011.

Vấn đề là ở chỗ, ngày càng có nhiều người Myanmar cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh vơ vét đất đai, gỗ và khoáng sản trên đất nước họ, bất chấp những thiệt hại gây ra cho cộng đồng địa phương. Có thể nêu lên nhiều ví dụ. Năm 2008, Myanmar trao thầu cho Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt khiến hàng nghìn dân làng phải di dời chỗ ở, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.

Hay như dự án cảng nước sâu Kyaukphyu và một đặc khu kinh tế đi kèm với nó. Nhà kinh tế học D. Dapice ở Trung tâm Ash của Đại học Harvard, từng tuyên bố thẳng: “Với tôi, đây là một vụ Trung Quốc chiếm đất chứ không phải là một vụ đầu tư thương mại. Các vùng kỹ nghệ thì gần các trung tâm dân cư chứ không ở giữa vùng đồng không mông quạnh thế này”.

Người dân Myanmar cũng bất bình với “lâm tặc” Trung Quốc đang tàn phá nghiêm trọng môi trường ở nước này. Báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường Myanmar (EIA) ước tính, xuất khẩu gỗ bất hợp pháp của nước này trong khoảng thời gian 2000-2013 khoảng 5,7 tỷ USD, trong đó một nửa là sang Trung Quốc. Tầng lớp giàu có mới nổi ở Trung Quốc có ham thích sở hữu đồ gỗ nội thất theo phong cách của các triều đại Minh và Thanh trước đây, được làm từ loài gỗ hồng ở Myanmar.

Nhiều nhà phân tích còn chỉ ra rằng, đi kèm với những khoản vay khổng lồ, Bắc Kinh luôn đưa ra hàng loạt điều kiện. Cùng với việc phải thanh toán tiền lãi đúng hạn, các nước vay tiền luôn được yêu cầu phải thuê các công ty Trung Quốc và sử dụng công nghệ của Bắc Kinh nếu muốn triển khai các dự án của mình, đồng thời trao quyền khai thác tài nguyên cho Bắc Kinh trong nhiều năm.

Hiện Trung Quốc đang hy vọng sẽ tháo bỏ những trở ngại trên nhờ vốn quan hệ thân thiện với bà Aung San Suu Kyi. Bắc Kinh đang muốn tranh thủ cơ hội có chính quyền mới Myanmar để thúc đẩy trở lại các dự án bị đình chỉ và ký kết thêm hợp đồng mới.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền mới Myanmar sẽ phải chịu sức ép nặng nề từ chính người dân vì họ muốn các dự án hạ tầng cơ sở ký kết với Trung Quốc phải được minh bạch hơn và đúng với chuẩn mực quốc tế hơn. Xử lý thỏa đáng các dự án cơ sở hạ tầng của “ông bạn” gây nhiều tai tiếng như vậy đâu phải dễ dàng.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô