1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc nhập khẩu vũ khí quân sự nhiều nhất Đông Á

(Dân trí) - Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước nhập khẩu vũ khí quân sự nhiều nhất khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong năm ngoái, trong khi số lượng vũ khí nhập khẩu trong khu vực tăng hơn 8 lần so với thương mại vũ khí toàn cầu.

Các máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Các máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Trung Quốc dẫn đầu sự gia tăng về nhập khẩu vũ khí quân sự trong khu vực, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt với các tranh chấp lãnh thổ với hàng loạt quốc gia láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông, theo các cố liệu được hãng phân tích quốc phòng IHS công bố ngày 27/2 trong báo cáo có tên gọi Cân bằng Thương mại thường niên.

Nhập khẩu vũ khí quân sự của Trung Quốc đã tăng 52,6% lên 2,3 tỷ USD, so với 1,5 tỷ USD của năm 2012. Nghiên cứu dự đoán rằng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc sẽ tăng 13,8% lên 2,6 tỷ USD trong năm nay.

Trong khi đó, xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã đạt 1,9 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 4,4%.

Paul Burton, giám đốc phụ trách nội dung quốc phòng của IHS tại Singapore, cho hay các vũ khí nhập khẩu từ Nga đã giúp đẩy mạnh chi tiêu của quân đội Trung Quốc ở nước ngoài.

"Nga đã gia tăng xuất khẩu từ 3,5 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, phần lớn do tăng cường bán động cơ và động cơ máy bay chiến đấu cho Trung Quốc", ông Burton nói.

Ông Burton nói thêm rằng, việc chuyển giao và nâng cấp các vũ khí quân sự, như máy bay chiến đấu và trực thăng, cũng giúp thúc đẩy thị trường khu vực nói chung.
 
Hàn Quốc vượt Trung Quốc về xuất khẩu vũ khí trong ngắn hạn

Hàn Quốc, vốn 2 năm trước vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất khu vực, đã được hưởng lợi từ khuynh hướng này. Năm ngoái, Philippines đã bày tỏ ý định mua 12 máy bay chiến đấu T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc. Hồi đầu tháng này, Indonesia đã đưa vào sử dụng phi đội đầu tiên trong số 16 chiếc như vậy.

Xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 91,6% lên 613 triệu USD trong năm ngoái. IHS ước tính rằng Hàn Quốc sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất khu vực vào năm tới.

"Công nghiệp vũ khí Hàn Quốc sắp đạt tới ngưỡng bước mặt", ông Burton cho hay. "Các thiết bị quốc phòng do Hàn Quốc tự chế tạo đã đạt tới chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trong các thị trường mới nổi. Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ đánh bại một số công ty phương Tây lớn".

Tuy nhiên, ông Burton thận trọng cho rằng Trung Quốc sẽ đứng đầu khu vực trong tương lai xa hơn. "Các khả năng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang gia tăng", ông nói.

Các mặt hàng nhập khẩu liên quan tới quốc phòng tại Đông Á và Đông Nam Á đã đạt 12,2 tỷ USD, theo IHS, tăng 24,5% so với năm 2012. Năm ngoái, thương mại vũ khí quân sự toàn cầu đã tăng 3% lên 67,7 tỷ USD.

Nhập khẩu vũ khí của Indonesia cũng tăng 167,7% lên 1,7 tỷ USD. Malaysia tăng 40,6% lên 610 triệu USD. Campuchia, mặc dù tương đối thấp, cũng đã tăng 850% lên 95 triệu USD. Trong khi đó, vũ khí nhập khẩu của Đài Loan giảm 17,4% xuống 928 triệu USD.

Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Xét về toàn cầu, 9 trong số 10 công ty chế tạo vũ khí hàng đầu đặt tại Mỹ.

Ấn Độ trở thành thị trường vũ khí lớn nhất của Mỹ

Nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí của các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á năm 2012 và 2013.
Nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí của các quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á năm 2012 và 2013.
 
Ben Moores, tác giả của nghiên cứu và cũng là nhà phân tích cấp cao tại Ban dự báo quốc phòng và hàng không vũ trụ của IHS Jane, cho hay thương mại vũ khí toàn cầu đã nhìn thấy một sự thay đổi lớn khác trong năm ngoái, khi Ấn Độ vượt mặt Ả-rập Xê-út trở thành thị trường quốc phòng lớn nhất của Mỹ.

"Sự gia tăng của Ấn Độ là rất mạnh mẽ", ông Moores nói. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã mua 1,9 tỷ USD vũ khí quân sự của Mỹ trong năm ngoái, gấp 8 lần so với năm 2009.

Về mặt toàn cầu, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã mua số vũ khí trị giá 5,9 tỷ USD trong năm ngoái, gấp 2 lần Trung Quốc.

"Ấn Độ đã trở thành một thị trường lớn cho Mỹ. Các công ty Mỹ đã bắt đầu xâm nhập vào Ấn Độ sau một thời gian không tham gia thị trường này", ông Moores nói.

Ông Burton dự đoán rằng Ấn Độ sẽ vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn trong tương lai do thất bại trong việc thiết lập một ngành công nghiệp vũ khí nội địa và sự tồn trọng của các đơn hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, ông Burton cho rằng chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ hoàn toàn chưa hợp lý. "Bất chấp việc nhập khẩu nhiều vũ khí, vẫn có các khoảng trống lớn, đặc biệt trên biển khi Ấn Độ tiếp tục tụt hậu".

Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận hải quân hiếm thấy ở phía đông Ấn Độ Dương, khiến các nhà quan sát Ấn Độ lo ngại.

An Bình
Tổng hợp