Trung Quốc nguy cơ thiệt hại lớn vì chính biến Myanmar
(Dân trí) - Các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Myanmar có thể đối mặt nhiều rủi ro sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự.
Chính quyền quân sự Myanmar ngày 1/2 thông báo cách chức 24 bộ trưởng và thứ trưởng do chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi bổ nhiệm và thay thế bằng người của quân đội. Các bộ bị ảnh hưởng gồm tài chính, hợp tác quốc tế, ngoại giao, nội vụ, kinh tế quốc tế.
Một số quan chức bị sa thải là những người tham gia đàm phán về các khoản đầu tư của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên nguy cơ các dự án đầu tư của Trung Quốc có thể bị hủy hoặc bị trì hoãn, Yin Yihang, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Taihe có trụ sở ở Bắc Kinh, nhận định. "Nhiều người bị cách chức từng tham gia vào các đàm phán hợp tác kinh tế (Trung Quốc - Myanmar). Điều đó có nghĩa một số thỏa thuận có thể phải đàm phán lại, và làm nản lòng các nhà đầu tư Trung Quốc", ông Yin nói.
Một trong những dự án chung lớn nhất giữa hai nước là đường sắt nối Mandalay - thành phố lớn thứ hai Myanmar - với Kyaukpyu, một thành phố duyên hải ở vịnh Bengal, và đường ống dẫn dầu, khí đốt kéo dài đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Hiện chưa rõ số phận của các kế hoạch đầu tư cảng nước sâu do Trung Quốc tài trợ và một số dự án công nghiệp ở Kyaukpyu. Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc và Myanmar cũng ký một biên bản ghi nhớ về nghiên cứu tính khả thi Hành lang Kinh tế nối Vân Nam, Trung Quốc với Myanmar thông qua Kyaukpyu và cuối cùng nối với Ấn Độ Dương.
Quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm. Do vậy, theo chuyên gia Yin, các dự án trên có thể bị trì hoãn. "Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar có thể sẽ giảm dần trong ngắn hạn. Trong khi đó, chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ đánh giá kỹ hơn về các dự án đường ống. Tôi không nghĩ sẽ có nhiều dự án lớn được thực hiện vào thời điểm này", chuyên gia Yin nói.
Hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ áp đặt lại các lệnh trừng phạt Myanmar, tuy nhiên, ông Yin cho rằng tác động của các lệnh trừng phạt đó sẽ không quá lớn bởi Mỹ ít đầu tư vào Myanmar.
Một luật sư kinh tế Trung Quốc làm việc ở Myanmar 5 năm cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ có thể là mối lo ngại cho các doanh nghiệp phương Tây nhiều hơn. Luật sư này nhận định: "Chính phủ quân sự đã hành động rất nhanh. Các bộ trưởng mới được bổ nhiệm có uy tín tốt trong cộng đồng doanh nghiệp và được đánh giá là thân thiện với các nhà đầu tư. Mặc dù có những rủi ro về thay đổi chính trị, nhiều doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài nói chung tin rằng chính phủ quân sự có thể tạo ra một môi trường đầu tư tích cực hơn".
Trung Quốc và Myanmar từ lâu đã có quan hệ kinh tế, ngoại giao gần gũi. Trung Quốc là một trong số ít nguồn đầu tư vào Myanmar sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt tài chính, thương mại với Myanmar vào cuối những năm 1980. Sau hàng loạt cải cách vào năm 2010, Myanmar được dỡ bỏ trừng phạt và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc đã gặp trở ngại lớn năm 2011 khi dự án nhà máy thủy điện Myitsone với tổng đầu tư 3,6 tỷ USD bị treo do các lo ngại tác động đến môi trường. Dự án đến nay vẫn bị treo.