1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không hài lòng với Trung Quốc, Lithuania quyết định mở văn phòng ở Đài Loan

Đức Hoàng

(Dân trí) - Không hài lòng với hiệu quả từ mô hình hợp tác với Trung Quốc ở các nước Trung và Đông Âu, Lithuania quyết định sẽ mở văn phòng thương mại ở Đài Loan, động thái có thể khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Không hài lòng với Trung Quốc, Lithuania quyết định mở văn phòng ở Đài Loan - 1

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis (Ảnh: 15min.lt)

SCMP dẫn thông báo ngày 3/3 từ Bộ Kinh tế và Đổi mới Lithuania cho hay, nước này sẽ mở văn phòng thương mại ở Đài Loan vào cuối năm nay nhằm "tăng cường và đa dạng hóa ngoại giao kinh tế ở khu vực châu Á".

Động thái của Lithuania là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự không hài lòng của một quốc gia thành viên châu Âu với mô hình 17+1 - một nhóm thương mại phi chính thức giữa Trung Quốc và 17 quốc gia Trung và Đông Âu được thành lập năm 2012.

Vào cùng ngày, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với báo địa phương LRT.lt rằng quốc gia này "gần như không đạt được lợi ích gì" từ nhóm 17+1.

"Tôi không nói rằng chúng ta sẽ rời nhóm và đây là dấu chấm hết, nhưng chúng ta nên xem xét thực sự cách hữu ích để xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc là như thế nào", ông Landsbergis nói.

Chuyên gia Konstantinas Andrijauskas, phó giáo sư về Nghiên cứu Châu Á tại Đại học Vilnius, cho biết mặc dù ông Landsbergis không tán thành việc rời nhóm 17+1, nhưng giới quan sát cho rằng điều đó có thể sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới.

Hợp tác thiếu hiệu quả

Alicja Bachulska, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Nghiên cứu Chiến tranh ở Ba Lan, cho rằng sự thất vọng của các quốc gia vì "thiếu các kết quả hữu hình" khi tham gia nhóm 17+1 và sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh cùng với nhận thức thay đổi về rủi ro an ninh từ Trung Quốc đã khiến một số nước đang xem xét lại về mô hình hợp tác.

"Khi kết quả hợp tác kinh tế ở mức thấp và chi phí chính trị ngày càng gia tăng, các nước Trung và Đông Âu đang xem xét lại về quan hệ với Trung Quốc", bà Bachulska nhận xét.

Hội nghị thượng đỉnh 17 + 1 gần đây nhất - được tổ chức vào tháng 2 và có sự tham dự trực tuyến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - đã không có sự tham gia của các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia thành viên Estonia, Latvia và Lithuania, Bulgaria, Romania và Slovenia.

Tại sự kiện, ông Tập cam kết trong 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi nhập khẩu từ các nước, nhưng điều này dường như không tác động quá nhiều tới các nước Baltic. Sau sự kiện này, cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia thậm chí phát đi một báo cáo có cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở nước này.

Trước đó, Lithuania đã bị Bắc Kinh chỉ trích vì cấm Nuctech, một nhà sản xuất thiết bị kiểm tra an ninh thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, cung cấp thiết bị cho ba sân bay ở quốc gia châu Âu.

Richard Bush, một chuyên gia của Viện Brookings (Mỹ), nói rằng nếu Lithuania mở một văn phòng thương mại ở Đài Loan, điều này có thể làm phật lòng Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan phần lãnh thổ không thể tách rời và luôn tuyên bố sẽ thống nhất hòn đảo bằng mọi giá và không loại trừ sử dụng vũ lực.

"Tôi nghĩ sẽ có phản ứng (từ Trung Quốc) và các lãnh đạo Lithuania sẽ cần chuẩn bị cho điều đó", ông Bush nhấn mạnh.