1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc ngầm "phản đòn" Mỹ giữa tranh cãi nguồn gốc Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Trung Quốc chỉ trích một số nước phát triển tích trữ vắc xin Covid-19, trong khi tuyên bố Bắc Kinh đã cung cấp hơn 350 triệu liều cho thế giới.

Trung Quốc ngầm phản đòn Mỹ giữa tranh cãi nguồn gốc Covid-19 - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Getty).

"Trung Quốc đã cung cấp hơn 350 triệu liều vắc xin cho cộng đồng quốc tế. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước phát triển đã áp dụng cách tiếp cận "trong nước là trên hết'"", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ngoại trưởng các nước thành viên BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) hôm 1/6.

Cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều có các hãng sản xuất vắc xin trong nước.

"Chúng tôi hy vọng các nước BRICS sẽ tiếp tục biến vắc xin trở thành hàng hóa công cộng toàn cầu và tuân thủ nguyên tắc phân phối công bằng và hợp lý. Chúng tôi hỗ trợ các nhà sản xuất vắc xin của mình chuyển giao công nghệ của họ cho các nước đang phát triển khác để cùng sản xuất vắc xin", ông Vương nói thêm.

Nhà ngoại giao Trung Quốc một lần nữa chỉ trích các quốc gia lợi dụng "mác chính trị" trong vấn đề Covid-19. Tuyên bố này của ông Vương Nghị được cho là nhằm đáp trả thông báo của chính quyền Mỹ tuần trước rằng, nước này sẽ điều tra thêm về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, bao gồm khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc - nơi có các ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019.

Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi các nước BRICS chống lại "các hành động đơn phương dưới ngọn cờ chủ nghĩa đa phương", chẳng hạn như cách tiếp cận "trong nước là trên hết", thành lập "các câu lạc bộ" và "chủ nghĩa đa phương có chọn lọc". Ông Vương cho rằng một số quốc gia đang thực hiện quyền bá chủ "nhân danh chủ nghĩa đa phương".

Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra khi đại dịch vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới, trong đó nhiều quốc gia - đặc biệt là những nước nghèo hơn - đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung vắc xin trong bối cảnh chương trình triển khai vắc xin đang bị cản trở bởi những căng thẳng địa chính trị và thiếu sự phối hợp toàn cầu.

Trung Quốc vẫn coi nước này là nhà cung cấp vắc xin toàn cầu, nhưng giới chỉ trích cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược "ngoại giao vắc xin" để ghi điểm và giành cơ hội trong tương lai. Trong khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ bất kỳ quốc gia nào cam kết cung cấp vắc xin cho các quốc gia đang phát triển, Bắc Kinh đã chỉ trích các sáng kiến do Mỹ dẫn đầu nhằm mở rộng hoạt động sản xuất vắc xin trong khu vực như sáng kiến của Bộ Tứ - nhóm mà Bắc Kinh gọi là "câu lạc bộ chống Trung Quốc".

Theo kế hoạch của Bộ Tứ được công bố hồi tháng 3, Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ tài trợ cho Ấn Độ - nhà sản xuất vắc xin số 1 thế giới - sản xuất tới 1 triệu liều để phân phối ở châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á, vào cuối năm sau. Tuy nhiên, tương lai của sáng kiến này hiện vẫn chưa rõ ràng, vì Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu vắc xin từ tháng trước khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã tham gia Sáng kiến COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn để đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận công bằng và bình đẳng vắc xin Covid-19. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết rằng nước này sẽ tài trợ 80 triệu liều vắc xin toàn cầu.