Trung Quốc lo sợ công dân là mục tiêu trong vụ đánh bom ở Bangkok
(Dân trí) - Trung Quốc đang yêu cầu giới chức Thái Lan trả lời về vụ đánh bom tại Bangkok, khiến 20 người thiệt mạng trong đó có 4 công dân Trung Quốc. Truyền thông nước này lo ngại, đây là hành động trả đũa vụ Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ mới đây.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông, 5 trong số những người thiệt mạng trong vụ đánh bom tối 17/8 tại Bangkok là người Trung Quốc, gồm 3 người đại lục và 2 người đến từ đặc khu hành chính này.
Tuy vậy, cảnh sát Thái Lan cho biết chỉ có 2 nạn nhân đến từ Trung Quốc đại lục thiệt mạng.
Trong khi đó, trang web của đại sứ quán Trung Quốc tại Bangkok cho biết hơn 20 người bị thương là người Trung Quốc. Họ gặp phải các chấn thương “cả nặng và nhẹ”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo SCMP, hai nạn nhân tử vong đến từ Hồng Kông gồm Pang Wan-chee, 24 tuổi, và Vivian Chan Wing-yan, 19 tuổi. Chan đã bị “chấn thương ở tim, gan và vùng bụng”, một y tá tại bệnh viện đa khoa thành phố Bangkok cho biết. Người này tử vong 2 giờ sau khi nhập viện.
Ngoài ra còn một bé gái 9 tuổi đến từ Hồng Kông “bị thương ở đầu, cổ và đầu gối”, SCMP đưa tin. “Tình hình của bé gái vẫn chưa rõ ràng”.
Truyền thông Đài Loan cho biết có 5 du khách đến từ hòn đảo này bị thương trong vụ đánh bom và phải nhập viện.
Ma Shan, một du khách Trung Quốc tại Bangkok cho biết nhiều đồng hương của mình đang lo sợ. “Có tin đồn rằng sẽ có thêm các vụ đánh bom ở những nơi khác để khiến du khách Trung Quốc lo sợ”, người này nói.
“Tôi đã gặp nhiều du khách Trung Quốc sau vụ đánh bom. Họ đều ở trong các khách sạn cách không xa hiện trường vụ nổ bom, và không một ai dám trở lại khách sạn. Vấn đề lớn nhất đó là họ không biết liệu tình hình sẽ tốt hơn hay xấu đi. Chúng tôi không biết phải làm gì với lịch trình còn lại của mình”, ông Ma chia sẻ.
Số lượng du khách Trung Quốc tới Thái Lan trong những năm gần đây tăng rất mạnh. Chỉ riêng 6 tháng qua, khoảng 6 triệu du khách Trung Quốc đã tới “xứ chùa vàng”, tờ Global Times của Trung Quốc đăng tải.
“Cho dù số thương vong với người Trung Quốc chính xác là bao nhiêu, chúng ta cảm thấy du khách Trung Quốc đang đối mặt với mức hiểm nguy cao nhất”, tờ báo này viết. “Nếu vụ nổ là hành động khủng bố, nó sẽ là đòn giáng rất mạnh vào ngành du lịch Thái Lan. Những người đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ở một nơi như đền Erawan rõ ràng đang nhằm vào ngành du lịch nước này”.
Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết đã “khởi động một cuộc ứng phó khẩn cấp” sau vụ nổ. Bắc Kinh yêu cầu các nhân viên đại sứ quán tại Bangkok tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và “nỗ lực hết sức để điều trị những người bị thương”.
Truyền thông Trung Quốc thì đồn đoán rằng vụ đánh bom có thể là hành động “trả thù” có liên quan đến quyết định gần đây của chính phủ Thái Lan, trục xuất gần 100 người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi về Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định những người này có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Trang mạng Sina của Trung Quốc viết: “Có rất nhiều đồn đoán ở thời điểm hiện tại liên quan đến những kẻ đứng đằng sau vụ đánh bom. Với việc chính phủ Thái Lan từng trục xuất những kẻ khủng bố trở lại Trung Quốc, một số ý kiến tin rằng vụ đánh bom có thể là hành động trả thù, khiến chính quyền Thái Lan phải “trả giá” cho cách hành xử thân Trung Quốc.
Địa điểm xảy ra đánh bom cũng đáng lưu ý khi nhằm vào đền Erawan, vốn được du khách Trung Quốc tham quan nhiều nhất”, trang tin này bình luận.
Đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào được Thái Lan hay Trung Quốc đưa ra để minh chứng cho sự liên quan giữa người Duy Ngô Nhĩ và vụ đánh bom tối 17/8.
Thanh Tùng
Theo Guardian