1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc lập lực lượng dân quân biển: "Trêu ngươi" luật pháp quốc tế

(Dân trí) - Chính sách của Trung Quốc nhằm biến các tàu cá dân sự thành lực lượng dân quân biển đang làm thay đổi việc thực thi luật pháp quốc tế.

 

Trung Quốc lập lực lượng dân quân biển: "Trêu ngươi" luật pháp quốc tế - 1

Tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo Diplomat, Trung Quốc đã và đang tiến hành tổ chức các đội tàu đánh cá trở thành lực lượng “dân quân biển” với vai trò như một lực lượng bán quân sự. Đội dân quân biển này mang hình thái của một lực lượng hải quân “không giống ai” nhưng lại mang tới cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) một lực lượng vừa đông đảo vừa ít tốn kém, đủ sức thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, và quan trọng hơn nó hoàn toàn hợp pháp và sẽ là một thách thức chính trị cho bất cứ đối thủ nào. Mạng lưới khổng lồ của nó sẽ làm các đối thủ chùn tay khi ra quyết định chống lại Bắc Kinh trong các cuộc tranh cãi chủ quyền hàng hải căng thẳng hay thậm chí là chiến tranh trên biển.

Dân quân biển sẽ xoá bỏ những phân biệt truyền thống giữa tàu chiến và tàu cá dân sự trong các điều luật về chiến tranh hải quân mà theo đó, các tàu chiến không được bắt giữ hoặc tấn công các tàu dân sự. Cho dù trên thực tế tàu chiến có thể phối hợp với các tàu cá để tìm kiếm sự trợ giúp, sẽ rất khó để phân biệt các tàu cá thông thường với các tàu có dính dáng đến lực lượng của PLAN. Không tính đến khả năng liệu lực lượng dân quân biển sẽ đóng vai trò thế nào trong các trận thuỷ chiến, chỉ riêng sự có mặt của nó đã đủ sức khuấy đảo đối thủ thông qua các hành động "trêu ngươi" luật pháp quốc tế, đặt đối thủ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Việc sử dụng tàu cá dân sự như là một lực lượng hỗ trợ hải quân thực ra đã vi phạm các quy tắc phân biệt - một nguyên lý cơ bản của Luật Nhân đạo quốc tế (IHL) vốn quy định rằng thường dân và các tài sản của họ phải được bảo vệ trước mọi cuộc tấn công quân sự. Mục đích bao trùm của nguyên lý chính là để bảo vệ người dân và giảm thiểu các yếu tố tác động tiêu cực lên họ trong điều kiện chiến tranh. Thế nhưng, Trung Quốc đang chà đạp lên tất cả khi tìm cách xoá nhoà ranh giới phân biệt giữa tàu cá dân sự với các tàu có chức năng quân sự.

Với hơn 200.000 tàu cá, Trung Quốc đang vận  hành một “hạm đội đánh cá” lớn nhất trên thế giới, quy tụ tới hơn 14 triệu ngư dân - chiếm 1/4 tổng số lượng toàn thế giới. Lực lượng hùng hậu này hoạt động sát cánh cùng với các đơn vị vũ trang chính là để phục vụ các toan tính chiến lược của Bắc Kinh ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Ví dụ rõ ràng nhất chính là sự việc lực lượng dân quân Trung Quốc có liên quan đến việc tấn công quần đảo Hoàng Sa năm 1974; hoặc họ thường xuyên ngăn cản không cho các tàu Mỹ thực hiện các hoạt động thăm dò.

Các ngư dân được giao nhiệm vụ tập hợp hoặc gia nhập vào các hiệp hội dân sự, đồng thời được huấn luyện kỹ năng quân sự và giáo dục tư tưởng chính trị nhằm tuyên truyền về các quyền lợi của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực. Các tàu cá dù là dân sự nhưng cũng được trang bị các thiết bị hiện đại, gồm có phương tiện thông tin, định vị vệ tinh và hệ thống radar để tương tác và phối hợp với các đơn vị khác như Lực lượng bảo vệ bờ biển.

Việc các lực lượng dân quân biển Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ với sự trợ giúp của các hạm đội hải quân chính là nhằm tạo lớp vỏ bọc hợp pháp trong trường hợp xảy ra các xung đột vũ trang, với hậu quả tiềm tàng thuộc về người dân của cả Trung Quốc lẫn các quốc gia láng giềng. Đây chính là một ví dụ đau đớn của “cuộc chiến pháp lý” nhằm xuyên tạc sự thật mà Trung Quốc thường xuyên sử dụng để đối phó với các đối thủ. Nếu như Philippines nhờ đến Toà án quốc tế để phân xử trong vụ kiện đường lưỡi bò, một hành động rõ ràng không phải nhắm đến “cuộc chiến pháp lý” bởi nó chỉ đơn giản là tìm kiếm một sự phán quyết dựa trên luật pháp chính thống, dân quân biển chỉ là một chiêu bài nhằm lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và vì thế sẽ đặt người dân vào tình thế hiểm nghèo trong khi vẫn ảo tưởng rằng họ được pháp luật bảo vệ.

Trung Quốc đang gây ra nhiều áp lực cho Mỹ và các đồng minh trong việc tìm kiếm biện pháp đối phó với các lực lượng quân sự đóng mác “tàu cá dân sự” Trung Quốc. Việc phân biệt các tàu cá thực sự với các tàu dân quân hỗ trợ PLAN là bất khả thi bởi số lượng tàu khổng lồ cùng với tầm hoạt động quá rộng, đồng thời thiếu các phương tiện giám sát của phe Mỹ. Bất cứ tàu cá dân quân nào bị đánh hạ trong một cuộc hải chiến cũng sẽ trở thành tâm điểm của các tranh cãi chính trị  và ngoại giao được phát động bởi Trung Quốc nhằm làm xói mòn quyết tâm của đối thủ. Kể cả các sự cố phi quân sự như tắc nghẽn liên lạc giữa các tàu cá cũng sẽ được Bắc Kinh sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền nhằm kêu gọi lòng cảm thông của quốc tế, nhất là với các quốc gia Đông Á.

Với tư cách là một lực lượng tăng cường, lực lượng dân quân biển Trung Quốc thực sự là một thách thức đòi hỏi Mỹ và các đồng minh phải mở rộng cấu trúc lực lượng vũ trang, gồm cả tàu chiến, tàu ngầm và đặc biệt là máy bay và phương tiện dưới mặt nước không người lái để có thể kiểm soát được các nguy cơ. Cùng với việc Trung Quốc đang ngày càng mở rộng vai trò của dân quân biển trong cấu trúc Hải quân quốc gia, sợi dây phân biệt giữa tàu cá dân sự với tàu quân sự đã bị xoá nhoà.

Khánh Trần

 

Trung Quốc lập lực lượng dân quân biển: "Trêu ngươi" luật pháp quốc tế - 2

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm