1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc sẽ gặp "ác mộng" nếu Hàn Quốc chia sẻ thông tin tên lửa với Nhật

(Dân trí) - Trung Quốc đang rơi vào một cơn ác mộng chiến lược với những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn đang hình thành ngay ở cửa ngõ, sau khi Hàn Quốc bóng gió rằng nước này có thể chia sẻ thông tin tình báo tên lửa với Nhật Bản.


Một cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Ảnh: AFP)

Một cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Ảnh: AFP)

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chỉ nói rằng cơ quan này có thể chia sẻ với Nhật Bản thông tin về các tên lửa Triều Tiên thu thập được thông qua một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nhưng đó là một bước đi nguy hiểm trong mắt Bắc Kinh, vì nó có thể đưa Tokyo và Seoul xích lại gần nhau trong hợp tác quân sự.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là các đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng Seoul luôn hạn chế tham gia vào sự hợp tác quân sự song phương với Tokyo do các tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước và các vấn đề tồn đọng thời Thế chiến II.

Tuy nhiên, lập trường của Seoul hôm qua đã thay đổi.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay việc chia sẻ thông tin với Nhật Bản là có khả năng, trích dẫn một biên bản ghi nhớ vào năm 2014 mà Mỹ, Nhật, Hàn đã ký liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, Kyodo đưa tin.

Ông Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh từng công tác tại Binh đoàn tên lửa số hai, từng là lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc, cho hay sự khởi đầu khiêm tốn này có thể dẫn tới việc chia sẻ thông tin rộng hơn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, và xa hơn là một liên minh quân sự.

“Điều này đồng nghĩa với một liên minh 3 bên, thay vì các liên minh 2 hai bên (Mỹ-Nhật hay Mỹ-Hàn) và điều này có thể ảnh hưởng đối với sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á”, ông Song nói.

Nếu Hàn Quốc tham gia quỹ đạo của Mỹ và Nhật Bản, sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên có thể bị cản trở nghiêm trọng.

Tại một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh để kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến II hồi năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye là đồng minh duy nhất của Mỹ tham dự, đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vài tháng sau đó, Mỹ và Hàn Quốc đã công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Mục đích của hệ thống là nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, nhưng hệ thống cũng có thể được sử dụng để giám sát Trung Quốc.

Trung Quốc tức giận tới nỗi nước này đã yêu cầu các đài truyền hình ngừng mọi chương trình mới có sự tham gia của các ngôi sao giải trí Hàn Quốc.

Xu Guangyu, một thiếu tướng quân đội Trung Quốc về hưu, cho hay Trung Quốc có thể bị dồn vào ngõ cụt nếu Hàn Quốc và Nhật Bản mở rộng sự hợp tác, khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có lựa chọn nào khác là ngả về liên minh Trung-Nga nhằm tạo đối trọng.

“Trong một trường hợp như vậy, Trung Quốc Nga có thể đối mặt với một thách thức mạnh từ Mỹ-Nhật-Hàn, còn có thể có được thông tin tên lửa về Trung Quốc và Nga trong thời gian ngắn và có hành động tức thì”, ông Xu nhận định.

“Điều này có thể gây ra một phản ứng mạnh hơn từ Trung Quốc và Nga và dẫn tới một cuộc đua vũ trang ở Đông Bắc Á”.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm